Văn hóa

Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn

Bắc Giang

Bắc Giang gắn phát triển du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản của địa phương thông qua việc định hướng tổ chức lại sản xuất sản phẩm nông sản.

TTXVN - Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang Hà Minh Quý, năm 2023, tỉnh quan tâm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, Bắc Giang gắn phát triển du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản của địa phương thông qua việc định hướng cho người dân tổ chức lại sản xuất sản phẩm nông sản.

Tỉnh phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trang trại, du lịch sinh thái có trách nhiệm (không săn bắt, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã bất hợp pháp); có chương trình đánh giá, nhân rộng theo từng giai đoạn cụ thể. Tỉnh triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ nay đến hết năm 2023, Bắc Giang quan tâm tổ chức sản xuất gắn với lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện sống của từng địa phương để phát triển thành sản phẩm đặc trưng. Trong đó, tỉnh tiếp tục thực hiện cấp mã số mới cho 70 vùng trồng cây ăn quả (vải 45 vùng; nhãn 5 vùng; cam, bưởi 20 vùng), số hóa 80 vùng trồng (vải 55 vùng, nhãn 5 vùng, cam bưởi 20 vùng). Tỉnh hình thành vùng nguyên liệu nông sản, đặc sản theo hướng sản xuất an toàn (VietGAP, GlobaGAP, hữu cơ), nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, số hóa và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, năm nay, tỉnh duy trì, bảo tồn và phát triển 27 làng nghề hiện có trên địa bàn; hỗ trợ phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương.

Cùng với đó, Bắc Giang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP tiêu biểu. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc, ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Quang Hải, tháng 4/2023, ngành đã tham gia gian hàng trưng bày, tuyên truyền quảng bá văn hóa, du lịch Bắc Giang và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề của tỉnh tới du khách, các nhà đầu tư thông qua các hoạt động Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hanoi 2023.

Quý I/2023, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Công ty SGO Travel và một số doanh nghiệp du lịch, dịch vụ của tỉnh tổ chức khảo sát, xây dựng và ký biên bản thỏa thuận hợp tác, khai trương 7 tour, tuyến du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang.

Các sở, ngành, các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt các giải pháp kích cầu du lịch và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, nên lượng khách du lịch đến tỉnh trong quý I/2023 tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Qua tổng hợp, số lượng khách du lịch đến Bắc Giang trong quý I/2023 ước đạt 1 triệu lượt. Một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch như: Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; chùa Vĩnh Nghiêm; chùa Bổ Đà; Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; Hội hát Sloong hao và các hoạt động tại vùng cao xã Tân Sơn; điểm du lịch Bản Ven ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế...

Năm 2022, tổng số khách du lịch đến tỉnh Bắc Giang đạt 1,35 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15,5 nghìn lượt. Doanh thu từ các hoạt động du lịch trên địa bàn ước đạt khoảng 650 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng lưu trú của các cơ sở lưu trú du lịch ước đạt khoảng 75%./.

Việt Hùng

Xem thêm