Du lịch

Vĩnh Phúc phát triển sản phẩm du lịch bền vững

Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, xây dựng tỉnh thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

TTXVN - Nhằm đẩy mạnh việc cung cấp thông tin du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các khu, điểm du lịch tiêu biểu của Vĩnh Phúc đến với cơ quan truyền thông và doanh nghiệp lữ hành du lịch, chiều 16/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc năm 2023".

Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, đánh giá đúng thế mạnh của du lịch Vĩnh Phúc, từ đó đưa ra phương hướng, giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết tour, tuyến du lịch đến với Vĩnh Phúc.

Phát biểu tại chương trình, bà Trần Thị Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao Golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của tỉnh thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá cả hợp lý.

Bà Trần Thị Minh Lợi nhấn mạnh: Với mong muốn góp phần triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến du lịch Vĩnh Phúc an toàn, thân thiện trên các phương tiện truyền thông, tại các hội chợ, triển lãm du lịch; thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút khách. Cùng với đó, Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư, hợp tác kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Sau một ngày đi khảo sát các khu, điểm du lịch: Flamingo Đại Lải, Sân golf Thanh Lanh, khu di tích danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Tam Đảo, các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã có nhiều ý kiến đóng góp với ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo bà Dương Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Sun Smile Travel, hiện nay, ngoài khai thác điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng thì Vĩnh Phúc cần khai thác thêm các làng nghề truyền thống và các sản phẩm lưu niệm của làng nghề cho khách du lịch. Cùng với đó, tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các điểm vui chơi giải trí để thu hút khách du lịch lưu trú và quay trở lại.

Còn theo ông Trần Khánh Duy, Phó Giám đốc Công ty Quản lý du lịch Công đoàn Đà Nẵng, đơn vị đang khai thác tuyến lữ hành Đà Nẵng - Vĩnh Phúc, du lịch Vĩnh Phúc được thiên nhiên ưu đãi có nhiều danh lam, thắng cảnh và khí hậu mát mẻ thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện nay Vĩnh Phúc còn thiếu sản phẩm quà tặng dành cho du khách. Bên cạnh đó, giá du lịch ẩm thực của Vĩnh Phúc còn cao so với các tỉnh, thành khác...

Tại chương trình, nhiều đại biểu, công ty lữ hành cho rằng, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc cần phát huy thế mạnh của địa phương trong khai thác các giá trị nổi bật của các di sản văn hóa, danh thắng thiên nhiên, di tích lịch sử - cách mạng. Bên cạnh đó, phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật... để thu hút khách.

Vĩnh Phúc cần tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của tỉnh thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá cả hợp lý. Tỉnh cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch trên địa bàn. Du lịch Vĩnh Phúc cần quan tâm đến các sản phẩm mua sắm, vui chơi giải trí; quan tâm quy hoạch chợ đêm, phố đi bộ ăn đêm, đồng thời phát triển du lịch kết hợp với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới…

Sau buổi tọa đàm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu giải pháp phù hợp để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc thời gian tới, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững./.

Nguyễn Thảo

Xem thêm