Môi trường

"Vì sông Mekong không rác" - mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả tại Cần Thơ

Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ phối hợp cùng nhiều tổ chức nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải nhằm thúc đẩy Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn vốn mang lại giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển thành phố.

Vớt rác trên sông khu vực chợ nổi Cái Răng. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Cần Thơ, mang lại giá trị kinh tế lớn, thúc đẩy phát triển thành phố. Tuy nhiên, thách thức mà du lịch mang lại chính là khối lượng khổng lồ rác thải gây hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng sống của người dân bản địa. Ý thức được điều đó, thành phố Cần Thơ đã phối hợp cùng nhiều tổ chức nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải, trong đó có Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub - thuộc Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) với Dự án “Vì sông Mekong không rác”.

Bà Đinh Thu Hằng – Điều phối dự án cho biết: Ngày 18/5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Cái Răng, UBND quận Bình Thủy, GreenHub và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dow Chemical Việt Nam đã kí kết Biên bản ghi nhớ “Vì sông Mekong không rác”, đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa chính quyền địa phương, nhà tài trợ, cũng như Ban quản lý dự án về việc thực hiện các hoạt động của dự án. Sau một năm triển khai, hiện đã thu được một số tín hiệu tích cực.

Cụ thể, Dự án được triển khai tại chợ nổi Cái Răng và cồn Sơn. Nội dung dự án bao gồm các hoạt động điểm nhấn, như hỗ trợ xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tập huấn nâng cao nhận thức và hành động cho cộng đồng cư dân bản địa…

GreenHub đã hỗ trợ gần 140 thùng chứa rác 2 ngăn, bộ dụng cụ chứa phân loại rác cho các hộ gia đình sinh sống trên và ven khu vực chợ nổi Cái Răng, cũng như các hộ gia đình sinh sống tại cồn Sơn. Bên cạnh đó, GreenHub còn hỗ trợ cư dân triển khai mô hình bẫy rác đơn giản trên sông bằng lưới, cũng như trang bị một tàu chuyên dụng vận chuyển rác từ cồn vào điểm tập kết rác trong đất liền.

Đặc biệt, GreenHub còn hỗ trợ cộng đồng triển khai các giải pháp xử lý rác thải hữu cơ thành sản phẩm tái chế, theo mô hình kinh tế tuần hoàn. “Vòng tròn chuối” và “Nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây” là hai trong số các mô hình được đánh giá dễ thực hiện, hiệu quả cao. “Vòng tròn chuối” chính là cách thức các hộ gia đình đào một hố nhỏ trong vườn nhà, xung quanh hố trồng chuối, cũng như các loại hoa màu. Rác thải hữu cơ và nước thải (không có chất tẩy rửa) được tập kết vào hố này. Đây sẽ là điểm ủ rác hữu cơ thành phân bón, giúp chuyển đổi thói quen vứt rác bừa bãi, cũng như tiết kiệm được chi phí mua phân bón cho các nông hộ.

Bạn Nguyễn Minh Thành (sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, thành viên nhóm ý tưởng “Nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây”) chia sẻ, nhóm đã đồng hành cùng GreenHub trong việc nỗ lực giảm thiểu tác hại của rác thải tại chợ nổi Cái Răng. Nước tẩy rửa sinh học của nhóm được làm từ vỏ cam, quýt, dứa… bởi những quả này có tính axit cao, hàm lượng tinh dầu tốt, dễ lên men và có mùi thơm đặc trưng. Quá trình lên men tạo ra rượu etylic và axit axetic là 2 chất có khả năng tẩy rửa tốt. Kết quả khảo sát cho thấy, 1 lít nước tẩy rửa sinh học góp phần hạn chế được 300 gr chất thải hữu cơ ra môi trường, tiết kiệm được 500 lít nước/tháng.

Ngoài ra, GreenHub đã triển khai nhiều khóa tập huấn được tổ chức tại cồn Sơn và chợ nổi Cái Răng cho người dân khu vực với nhiều nội dung như: Hướng dẫn phân loại và thu gom rác thải; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020; các giải pháp quản lý và xử lý rác đơn giản tại hộ gia đình.

Thống kê sơ bộ cho thấy, sau một năm thực hiện, Dự án đã giúp cộng đồng dân cư cồn Sơn thu gom và vận chuyển xử lý khoảng hơn 5.000 kg rác thải vô cơ; 3.000 kg rác thải hữu cơ hàng tháng được xử lý tại nguồn. Từ tháng 9/2022 đến 25/5/2023, tổng lượng rác sinh hoạt được thu gom tại các hộ gia đình sinh sống trên chợ nổi Cái Răng là hơn 11.200 kg. Ngoài ra, Dự án đã giới thiệu và kết nối các hộ chăn nuôi với các vựa buôn bán nông sản tại khu vực chợ nổi Cái Răng. Tháng 11/2022, mô hình này bắt đầu với 01 hộ chăn nuôi tham gia. Đến nay đã có 3 hộ chăn nuôi tham gia với tổng lượng phụ phẩm nông sản thu gom đến ngày 25/5/2023 khoảng 238.000 kg; giúp giảm đáng kể lượng lớn phụ phẩm nông sản bị đổ thải trực tiếp xuống sông.

Đánh giá về hiệu quả của Dự án, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, đây là dự án với nhiều hoạt động thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Các hoạt động dựa trên nguyên tắc "cầm tay chỉ việc" nên dễ dàng để người dân có thể thực hiện. Tuy nhiên, để hướng tới hiệu quả bền vững, cần gia tăng truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân bản địa, khách du lịch nói riêng, cộng đồng nói chung; đồng thời điều chỉnh bổ sung các chế tài, hình phạt về xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhằm đảm bảo tính răn đe cho người dân./.

Ánh Tuyết

Xem thêm