Khoa học

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phát triển kinh tế - xã hội

Nghệ An

Nghệ An đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và trong quản lý, điều hành; phát triển được đội ngũ nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Sở Giao thông Vận tải Nghệ An triển khai áp dụng lấy số thứ tự tự động có hình ảnh tại bộ phận "một cửa". (Ảnh: Bích Huệ)

TTXVN - Năm 2023, Nghệ An xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, tập trung nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tỉnh phấn đấu 100% các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ phủ sóng di động 5G đạt 10% dân số; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 40% trở lên; 80% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…

Để đạt được mục tiêu trên, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; phối hợp với các tập đoàn công nghệ thông tin lớn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nâng cao, chuyên sâu về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin; thu hút nguồn lực công nghệ thông tin.

Tỉnh dự kiến thực hiện một số dự án liên quan như: Thuê mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành; xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh; nâng cấp thiết bị hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh; triển khai đề án thí điểm xây dựng đô thị thông minh; số hóa, xây dựng bản đồ số mạng viễn thông của tỉnh; xây dựng trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC)…

Đến nay, Nghệ An đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và trong quản lý, điều hành; phát triển được đội ngũ nhân lực phục vụ chuyển đổi số… Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử liên thông của tỉnh đã có 20 sở, ban, ngành cùng 21 huyện, thành phố, thị xã tham gia. Hệ thống đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp 1.833 dịch vụ công. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các ban Đảng, văn phòng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc chuyển đổi số tại địa phương đang gặp một số tồn tại, hạn chế như: cơ sở hạ tầng mạng thông tin của một số cơ quan, đơn vị còn yếu và chưa đồng bộ. Nguồn lực về công nghệ thông tin thiếu về số lượng, nhất là nhân lực chuyên trách và có trình độ cao. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa được xây dựng hoàn thiện, cập nhật trên trang dịch vụ công. Nền tảng thanh toán trên cổng dịch vụ công của tỉnh chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và doanh nghiệp…/.

Nguyễn Văn Nhật

Xem thêm