An sinh

Tuần cao điểm kết nối cung - cầu tạo việc làm cho người lao động

Thái Nguyên

Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023 diễn ra từ ngày 10-17/4/2023, với sự tham gia của trên 150 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Các đơn vị, doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho người lao động. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

TTXVN - Lễ khai mạc “Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2023” diễn ra ngày 10/4. Sự kiện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động, học sinh, sinh viên, đơn vị tuyển dụng.

Tuần cao điểm diễn ra từ ngày 10-17/4/2023, với sự tham gia của trên 150 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp với gần 20 hoạt động trọng tâm: Chuỗi các hội thảo, hội nghị tư vấn, tuyển sinh, định hướng giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh, huyện, xã; phát động Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”; ký kết và trao biên bản ghi nhớ về tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng lao động...

Các hoạt động được tổ chức tại 23 điểm giao dịch thuộc các huyện, thành phố của tỉnh và 10 tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, tại phiên khai mạc, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, người lao động sẽ được kết nối, giao dịch trực tuyến với sàn giao dịch việc làm của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, ngành ở địa phương và người lao động về lĩnh vực lao động - việc làm, đào tạo nghề; đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm, cung cấp đầy đủ, chính xác về thông tin thị trường lao động trong, ngoài nước, việc làm, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động.

Đây là cơ hội để Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp quảng bá hình ảnh, thông tin về nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh; trực tiếp, trực tuyến phỏng vấn, tuyển dụng người lao động, tuyển sinh học nghề; hỗ trợ người lao động định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm và ngành nghề đào tạo.

Các đơn vị, doanh nghiệp và các Trung tâm Giới thiệu việc làm trao biên bản ký kết phối hợp tuyển dụng lao động. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đề nghị, Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cơ quan, ban, ngành tại địa phương tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách phát triển thị trường lao động, chính sách an sinh xã hội khác.

Đồng thời, địa phương ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Quyết định số 176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025…

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu tìm việc của người lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối với Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cả nước thành hệ thống đồng bộ, thống nhất nhằm cung cấp dịch vụ trực tiếp, trực tuyến hiệu quả hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm, bảo hiểm thất nghiệp…

Năm 2022, Thái Nguyên tổ chức 137 hoạt động giao dịch việc làm và trên 100 phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố, thu hút khoảng 33 ngàn lượt người tham gia. Qua đó, kết nối giới thiệu việc làm thành công cho hàng chục nghìn lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Trong năm qua, gần 2.000 lao động của tỉnh đã tìm được việc làm có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thái Nguyên lồng ghép chương trình vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã xuất hiện, góp phần duy trì và tạo việc làm mới, tăng thời gian lao động của lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh./.


Thu Hằng

Tin liên quan

Xem thêm