Khoa học

Tiết kiệm 253 triệu đồng/năm khi cắt giảm quy định kinh doanh lĩnh vực khoa học và công nghệ

Mức cắt giảm chi phí nhiều nhất là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm; mức cắt giảm thấp nhất thuộc về các thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ...

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

TTXVN - Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho thấy có 23 thủ tục hành chính trong 6 lĩnh vực được cắt giảm, đơn giản hóa.

Trong số này, các ngành nghề kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp, dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ đều cùng có 4 thủ tục. Ngành nghề kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp có 8 thủ tục; lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ 2 thủ tục; lĩnh vực nhập khẩu phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án đầu tư có 1 thủ tục. Lộ trình cắt giảm các thủ tục trên được thực hiện trong 2 năm (2023 và 2024).

23 thủ tục này có tổng chi phí tuân thủ trên 2.534 tỷ đồng/năm, sau khi cắt giảm, đơn giản hóa còn hơn 2.281 tỷ đồng/năm. Tổng chi phí tiết kiệm được mỗi năm trên 253 triệu đồng.

Tỷ lệ cắt giảm chi phí thấp nhất là 2% và cao nhất là 22,2%. Thủ tục có mức cắt giảm chi phí nhiều nhất là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm. Còn mức cắt giảm thấp nhất thuộc về các thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Đáng chú ý, với việc hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhiều thủ tục không yêu cầu phải nộp bản sao Căn cước công dân mà chỉ cần yêu cầu kê khai số Căn cước công dân nên đã giảm được khá nhiều thủ tục và chi phí tuân thủ thủ tục liên quan. Chẳng hạn như thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Trước đây, theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, trong thành phần hồ sơ yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định phải có bản sao chứng minh nhân dân đi kèm với Tờ khai yêu cầu cấp, cấp lại chứng chỉ.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đối với trường hợp cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, người nộp đơn có Căn cước công dân (thay vì chứng minh nhân dân) thì không yêu cầu phải nộp bản sao Căn cước công dân mà chỉ cần yêu cầu kê khai số Căn cước công dân trong Tờ khai yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để có thể tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tương tự đối với các thủ tục cấp/cấp lại thẻ Giám định viên sở hữu công nghiệp cũng loại bỏ thành phần hồ sơ là nộp bản sao chứng minh nhân dân; thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lần đầu cho tổ chức khoa học và công nghệ bỏ thành phần hồ sơ “sơ yếu lý lịch”, thông tin về ngày sinh, giới tính, địa chỉ thường trú trong đơn đề nghị được làm việc chính thức, đơn đề nghị được làm việc kiêm nhiệm..., do các thông tin này có thể tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đánh giá của Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME/USAID), được đề cập trong báo cáo cuối kỳ đánh giá và kiến nghị về dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn chung các đề xuất được thiết kế theo hướng bãi bỏ quy định về yêu cầu điều kiện, thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ và chế độ báo cáo. Điều này thể hiện tinh thần cải cách theo hướng thực chất của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tuy nhiên, số lượng đề xuất còn rất nhỏ so với số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Bộ thống kê (220 quy định, văn bản gồm 72 thủ tục hành chính, 30 yêu cầu điều kiện, 8 chế độ báo cáo, 21 quy chuẩn Việt Nam, 8 tiêu chuẩn Việt Nam, 81 sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành), chưa đáp ứng mục tiêu về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định chi phí tuân thủ từ 10-15% theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra năm 2021./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm