Sức khỏe

Tiếp tục nhân rộng mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin

Dự án được triển khai thực hiện ở 11 tỉnh, thành phố, đã kết thúc giai đoạn 2018-2022; đã có 35.817 nạn nhân chất độc hóa học và con đẻ của nạn nhân được theo dõi sức khỏe, đạt 100% mục tiêu đề ra.

TTXVN - Ngày 13/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị tổng kết Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học /dioxin giai đoạn 2018-2022 với sự tham dự của đại diện Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Người khuyết tật Việt Nam cùng một số tổ chức quốc tế, phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực phục hồi chức năng.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện và xem xét tiếp tục nhân rộng mô hình “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin” trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Dự án “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin” giai đoạn 2018 – 2021” được Bộ Y tế phê duyệt ngày 24/11/2017; tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3567/QĐ-BYT năm 2021 về gia hạn Dự án đến 31/12/2022.

Dự án đã được triển khai thực hiện ở 11 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre. Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với 6 đơn vị tuyến Trung ương và các đơn vị có liên quan để triển khai Dự án.

Đến nay, Dự án đã kết thúc giai đoạn 2018-2022 và đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản; đã có 35.817 nạn nhân chất độc hóa học và con đẻ của nạn nhân được khảo sát và lập danh sách theo dõi sức khỏe, đạt 100% mục tiêu đề ra; 11.973 nạn nhân và con đẻ nạn nhân được sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, 6.137 nạn nhân được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng, đạt 72% chỉ tiêu; 17.821 nạn nhân và thành viên của gia đình nạn nhân được tập huấn tại cơ sở khám chữa bệnh về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà, đạt 100%.

Tại trạm y tế xã, 18.785 nạn nhân và người nhà nạn nhân, cộng tác viên, cán bộ y tế xã được tập huấn, hướng dẫn về chăm sóc, các kỹ thuật phát hiện sớm và phục hồi chức năng cho nạn nhân, người khuyết tật; 2.971 cán bộ y tế xã tại các tỉnh trong vùng dự án được tập huấn cách cập nhật thông tin của toàn bộ nan nhân, người khuyết tật vào phần mềm quản lý của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, 31.562 trẻ dưới 6 tuổi dược sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng khuyết tật; 1.290 trẻ tự kỷ được khám, chẩn đoán xác định, phát hiện nhu cầu cần can thiệp phục hồi chức năng; 478 gia đình trẻ tự kỷ được hướng dẫn can thiệp cả lý thuyết và thực hành...

Hội nghị tổng kết Dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học /dioxin giai đoạn 2018-2022. (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Tại điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học/Dioxin (huyện Phù Cát và huyện Ngô Mây, tỉnh Bình Định), đã có 10.761 người dân sinh sống quanh tại vùng điểm nóng được khám sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe...

Sau khi nghe ý kiến tham luận của các đơn vị triển khai Dự án, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc phê duyệt và thực hiện tốt các hoạt động của dự án đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nạn nhân chất độc hóa học và người khuyết tật.

“Mặc dù khi triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp nhưng các đơn vị tham gia đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hàng chục nghìn nạn nhân và người khuyết tật được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ, được hướng dẫn khám chữa bệnh, phục hồi chức năng tại bệnh viện và tại nhà. Hàng nghìn cán bộ y tế và nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên, người thân nạn nhân được tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tự chăm sóc cho nạn nhân tại nhà…”, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.

Để phát huy những thành quả đạt được, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền phê duyệt chương trình, dự án hoặc kế hoạch thực hiện nghiêm và đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 2215/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình Chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với nạn nhân chất độc hoá học và người khuyết tật và Mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngay sau tổng kết dự án, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch triển khai trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt để triển khai hoạt động chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật. Các sở Y tế xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương.

Cùng với đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất điều chỉnh ngân sách, chế độ, chính sách phù hợp; xây dựng báo cáo chi tiết, cụ thể để lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Dự án triển khai hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiên, các đơn vị của Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trung ương và địa phương và các tổ chức hội; đồng thời lồng ghép với các hoạt động y tế khác trên địa bàn./.


Bích Thủy

Xem thêm