Xã hội

Tiền Giang: Kiểm soát triều cường, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản

Tiền Giang

Nhờ hệ thống đê bao khép kín cùng các công trình thủy nông do nhà nước đầu tư hoàn thiện cho phép kiểm soát hiệu quả lũ lụt và triều cường đã tạo điều kiện giúp nông dân Tiền Giang chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Ngô Văn Sơn (bên phải) kiểm tra trái sầu riêng nghịch vụ. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

TTXVN - Phía thượng lưu sông Tiền, xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) trước đây thường xuyên đối mặt với lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống. Khắc phục tình trạng trên đồng thời cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ”, địa phương được tỉnh hỗ trợ đầu tư hoàn thiện mạng lưới đê bao, cống đập khép kín ngăn lũ lụt và triều cường, bảo vệ trên 1.000 ha đất sản xuất và khu dân cư, tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang hình thành vùng chuyên canh sầu riêng đặc sản có giá trị kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công.

Nắm bắt cơ hội thuận lợi, ông Ngô Văn Sơn, cư ngụ tại ấp I, xã Cẩm Sơn, đã tích cực chuyển đổi 1,2 ha đất, lập vườn trồng sầu riêng chuyên canh xuất khẩu. Ông Sơn tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng, đặc tính cây sầu riêng, khả năng thích nghi của cây trồng với thổ nhưỡng địa phương, kỹ thuật thâm canh thông qua các kênh thông tin cần thiết cho nhà nông, bao gồm từ tài liệu khuyến nông, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hướng dẫn của cán bộ khuyến nông…

Cụ thể, khu vườn được thiết kế khoa học để trồng chuyên canh sầu riêng với mật độ khoảng 200 gốc sầu riêng/ha. Ngoài việc chọn cây giống tốt, sạch bệnh, chất lượng cao là Mong Thong và Ri 6, quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc phải sử dụng nhiều phân hữu cơ, phân vi sinh, không dùng phân vô cơ khiến cây mau già cỗi, suy thoái. Ông đầu tư hệ thống tưới phun tự động, giảm được công lao động, giảm chi phí sản xuất…

Vườn sầu riêng sau 5 năm tuổi cho trái, năng suất bình quân 18 - 20 tấn quả/ha. Đặc biệt, để tránh tình trạng “trúng mùa, mất giá”, ông Ngô Văn Sơn tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ bán được giá cao. Thường khoảng tháng 6 ông dùng mũ ny lon đậy kín gốc cây kết hợp bơm cạn nước trong ao (người dân gọi là kỹ thuật xiết nước) nhằm kích thích cho cây ra hoa. Thời gian xiết nước kéo dài trong khoảng một tháng. Sau đó, dỡ bỏ mũ nylon và tưới nước, chăm sóc với chế độ dinh dưỡng phù hợp, sầu riêng sẽ ra hoa, cho trái.

Sầu riêng nghịch vụ của gia đình ông Ngô Văn Sơn. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Với cách làm như trên, ông thu hoạch trên 20 tấn quả. Với giá thu mua tại vườn bình quân 80.000 đồng/kg, ông Ngô Văn Sơn thu được khoảng 1,6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 1 tỷ đồng. Từ một nông dân nhiều khó khăn, nhờ vào vườn sầu riêng, sau 5 năm chuyển đổi cây trồng hưởng ứng chủ trương “chung sống với lũ” của nhà nước, gia đình ông đã có thu nhập cao, ổn định, trở thành tỷ phú nông thôn.

Ông Ngô Văn Sơn chia sẻ bí quyết thành công trong lập vườn quả đặc sản xuất khẩu. Đó là nhờ hệ thống đê bao khép kín cùng các công trình thủy nông do nhà nước đầu tư hoàn thiện cho phép kiểm soát hiệu quả lũ lụt và triều cường đã tạo điều kiện giúp nông dân chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, người dân phải nhạy bén tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh, đoạn tuyệt tập quán canh tác đã lỗi thời, lạc hậu trước đây. Mặt khác, với việc sầu riêng đang được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn mở ra cơ hội mới cho nông dân vùng chuyên canh. Riêng ông, cùng với áp dụng quy trình khoa học công nghệ thâm canh vườn quả đặc sản, ông đã đăng ký với Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Cẩm Sơn làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng theo quy định để làm cơ sở xuất khẩu chính ngạch sầu riêng trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn Phạm Văn Sắt cho biết, trong các năm qua ông Ngô Văn Sơn đã được vinh danh điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen. Theo gương ông, nông dân trong xã đã cơ bản chuyển đổi 100% diện tích đất trồng lúa, đất vườn tạp hiệu quả kém trước đây sang trồng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu, đưa Cẩm Sơn trở thành một trong những địa phương có nguồn cung sầu riêng xuất khẩu lớn của huyện Cai Lậy với sản lượng hàng năm lên đến trên hai chục ngàn tấn quả.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn Phạm Văn Sắt khẳng định, hiện nay, sầu riêng chuyên canh là cây trồng mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng nhất của nông dân địa phương với mức lợi nhuận ròng từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Người dân giàu lên nhờ trồng sầu riêng xuất khẩu là yếu tố then chốt giúp Cẩm Sơn đổi mới và làm giàu cho nông nghiệp - nông thôn - nông dân.

Năm 2017, xã hoàn thành 100% tiêu chí và ra mắt thành công xã nông thôn mới. Năm 2020, tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang hướng tới đạt mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025./.

Minh Trí

Xem thêm