An sinh

Vĩnh Phúc: Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của công nhân lao động

Vĩnh Phúc

Hoạt động trọng tâm là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Các công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhận các phần quà hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tại buổi lễ (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Tháng Công nhân, Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023 đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức ngày 23/4.

Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ triển khai 5 nhóm hoạt động trong Tháng Công nhân năm 2023 và 4 nhóm hoạt động nhân Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động.

Hoạt động trọng tâm là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao độn; lấy lợi ích đoàn viên là một mục tiêu quan trọng để tập hợp, thu hút, kết nối công nhân lao động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên và người lao động.

Cùng với đó là các hoạt động: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, ngành về thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong doanh nghiệp, cơ sở lao động; cải thiện điều kiện làm việc, thi đua đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chuỗi các hoạt động cho 1.500 đoàn viên, công nhân lao động. Đó là gian hàng 0 đồng dành tặng 500 suất quà, hàng nghìn bộ áo dài cho nữ đoàn viên công nhân, viên chức, người lao động; khám bệnh miễn phí cho gần 500 công nhân. Hàng nghìn lượt công nhân lao động được mua hàng, phát quà miễn phí... tại các gian hàng giảm giá, tư vấn Luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Dịp này, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc trao tặng quà, hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng tai nạn lao động.

Vĩnh Phúc có 451 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, trong đó có 354 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài) và 97 dự án đầu tư DDI (vốn đầu tư trong nước). Các dự án tạo việc làm cho hơn 125.000 lao động.

Các đại biểu tặng các suất quà "không đồng" cho các công nhân sau buổi lễ. (Ảnh: TTXVN)

Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo đời sống công nhân lao động. Tỉnh đầu tư xây dựng 5 mô hình điểm ở các doanh nghiệp, trang bị các ấn phẩm văn hóa, ti vi, loa đài, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để công nhân tham gia, nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc.

Vĩnh Phúc thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo và trường tiểu học tại Khu công nghiệp Khai Quang; xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên.

Cùng với đó, tỉnh kêu gọi, huy động các tổ chức, công ty, nhà hảo tâm cùng chung tay chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm