Xã hội

Tháng Công nhân 2023: Lắng nghe để thấu hiểu người lao động

Những nội dung được người lao động kiến nghị nhiều là mong Chính phủ xem xét, rút ngắn thời gian chờ rút bảo hiểm xã hội một lần; đơn giản thủ tục chi trả bảo hiểm thất nghiệp khi công nhân nghỉ việc vì hiện tại còn rườm rà và phải đi lại nhiều.

Người lao động bày tỏ nguyện vọng trong buổi đối thoại. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Nhiều tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động trên cả nước đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội thông qua những cuộc đối thoại lần đầu tiên được tổ chức Công đoàn triển khai trong Tháng Công nhân.

Hoạt động mang tính đổi mới này không chỉ thể hiện sự quan tâm, lắng nghe của toàn xã hội đối với lực lượng lao động chính của đất nước mà còn là nguồn cỗ vũ, động viên to lớn để đội ngũ đoàn viên, công nhân tiếp tục cống hiến, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, vì sự phát triển bền vững.

*Đối thoại để hiểu công nhân

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong Tháng Công nhân 2023, hàng trăm cuộc đối thoại giữa các Đoàn đại biểu Quốc hội với người lao động đã diễn ra ở các tỉnh, thành phố, đem lại hiệu quả thiết thực. Tại các buổi tiếp xúc, người lao động đã kiến nghị những nội dung liên quan đến các vấn đề như: Thiết chế Công đoàn cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp có đông công nhân lao động; những bất cập trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay; những chính sách cụ thể quan tâm đến đời sống, việc làm, việc ăn, ở, đi lại, học hành của con công nhân lao động, để giảm bớt khó khăn cho người lao động...

Chị Trần Thị Hồng Hạnh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gen Nex Apparel) nêu đề xuất Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể là đối tượng trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

Công nhân Nguyễn Thị Ngọc Giao (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Great Evergreen Apparel Việt Nam) kiến nghị cần có những giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích người lao động trong tình hình một số người lao động gặp khó khăn về đời sống, việc làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm nguồn nguyên vật liệu sản xuất và thu hẹp sản xuất, chủ trương cắt giảm lao động lớn tuổi với nhiều cách thức khác nhau.

Nhiều ý kiến của công nhân tại các buổi đối thoại cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay có quá nhiều bất cập và thay đổi liên tục. Theo quy định của luật hiện hành, nữ 60 tuổi mới nghỉ hưu. Trong ngành thủy sản, may mặc, khi bước qua 50 tuổi, phụ nữ không còn đủ sức khỏe làm việc nữa, thậm chí bị doanh nghiệp tìm cách cho nghỉ việc. Nhiều người sẽ chủ động việc nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe hoặc bị ép nghỉ trước 50 tuổi nhưng phải chờ 10-15 năm sau mới được lĩnh lương hưu là chưa hợp lý. Đa số các ý kiến đề nghị cần điều chỉnh hợp lý tuổi hưu cho người làm việc, công nhân lao động tại các doanh nghiệp tư nhân.

Những nội dung được người lao động kiến nghị nhiều là mong Chính phủ xem xét, rút ngắn thời gian chờ rút bảo hiểm xã hội một lần; đơn giản thủ tục chi trả bảo hiểm thất nghiệp khi công nhân nghỉ việc vì hiện tại còn rườm rà và phải đi lại nhiều; cần có những chế tài mạnh hơn đối với các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân; xem xét thay đổi một số quy định về đóng bảo hiểm xã hội và thời gian, chế độ được thụ hưởng theo hướng có lợi hơn cho công nhân lao động...

Thành phố Hà Nội là địa bàn có nhiều khu công nghiệp với trên 250.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 2,5 triệu lao động. Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; đã có hàng chục nghìn người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm, thu nhập giảm sút; tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thanh toán chế độ một lần bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố tăng nhanh.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời câu hỏi của người lao động. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và người lao động, nhiều vấn đề được nêu ra cho thấy những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ công nhân cần sớm được giải quyết, trong đó vấn đề nhà ở là rất bức thiết. Hiện nay, thành phố có ba Khu công nghiệp là: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở nhưng mới đáp ứng được gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do vậy, khoảng trên 80% của công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Một số khu nhà trọ có diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ, dự án nhà ở cho công nhân, để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động. Thủ đô Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.

Chia sẻ về tính khả thi về đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đến năm 2030 phấn đấu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; trong đó, dự kiến đến năm 2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải hoàn thành 50 thiết chế Công đoàn trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.

* Tạo động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), do đặc thù công việc, cuộc sống, không gian sinh hoạt của công nhân lao động chủ yếu ở trong doanh nghiệp, ít có điều kiện nói lên tiếng nói về quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Những cuộc đối thoại vừa được tổ chức có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động trên cả nước, nhằm tạo thêm động lực để họ tiếp tục làm việc, cống hiến.

Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn phát biểu. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những khó khăn vất vả, sự bấp bênh về đời sống của công nhân lao động, nhưng cũng đồng thời cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của họ trong chuỗi sản xuất, tạo ra của cải vật chất, là nguồn lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế đất nước, thiết lập và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà nước dành nhiều sự quan tâm xây dựng giai cấp công nhân, phát triển thị trường lao động nhưng chính người lao động lại ít có cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, thiết kế chính sách, nên vấn đề thụ hưởng chính sách còn hạn chế. Theo Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, một số chính sách cho công nhân lao động còn cào bằng, mang tính cứu trợ, hỗ trợ ngắn hạn, chưa mang tính căn cơ, giải quyết triệt để các vấn đề khó khăn, giúp phát triển lực lượng lao động

“Cần hình thành những nhóm đại biểu Quốc hội chuyên trách, thường xuyên đối thoại và đấu tranh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho công nhân lao động”, Tiến sĩ Nhạc Phan Linh đề xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Thị Thúy Nhàn. (Ảnh: TTXVN phát)

Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Thị Thúy Nhàn cho rằng, đây là dịp để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Từ đó, các ý kiến phản ánh được tổng hợp nhằm góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế. Chương trình thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động, góp phần tăng cường dân chủ ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân lao động trong tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nhàn, lãnh đạo địa phương và những người đại biểu dân cử luôn chia sẻ, ủng hộ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, người lao động cần chia sẻ những rủi ro của doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế khó khăn; chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu để chung tay đưa kinh tế phục hồi. Thời gian tới, các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành thời gian đi thực tế xuống cơ sở để tìm hiểu, lắng nghe những vấn đề bất cập, chia sẻ khó khăn chung của công nhân lao động, tạo động lực để người lao động yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.

Nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Nhà ở là những nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động, bà Nguyễn Thị Thuý Nhàn cho rằng, thông qua các buổi tiếp xúc của các vị đại biểu Quốc hội sẽ góp phần đưa ra những quyết sách, phương án đúng đắn có tính khả thi, mang lợi ích tốt nhất cho người lao động. Luật Nhà ở có nội dung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rất quan tâm; các cấp Công đoàn đang theo đuổi đề xuất chính sách để hình thành chế định pháp lý, tạo quyền về nhà ở cho công nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

Bà Nguyễn Thị Thuý Nhàn cho hay, Đại hội Công đoàn cơ sở đang diễn ra trên cả nước, cần có thêm các hoạt động biểu dương người lao động có thành tích lao động sáng tạo; tổ chức diễn đàn "Cảm ơn người lao động", “Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân”. Điều này sẽ làm cho Đại hội phong phú, gần gũi hơn với người lao động và tổ chức công đoàn kịp thời động viên, giải quyết các vấn đề người lao động quan tâm, bức xúc; đề xuất các doanh nghiệp tìm giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động một cách bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, sau dịch bệnh, khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống người lao động. Các cuộc đối thoại là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri là công nhân lao động về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Qua đó, phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế./.


Tin liên quan

Xem thêm