Du lịch

Tạo điều kiện phát triển du lịch theo hướng đô thị sinh thái

Cần Thơ

Ngoài phát triển tốt vườn cây ăn quả, huyện Phong Điền cần nâng cao giá trị bằng cách đăng ký mã vùng trồng, xuất xứ, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu, đem lại thu nhập cao cho người dân

TTXVN - Chiều 10/2, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ cùng đại diện các sở, ngành liên quan làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Phong Điền về đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển du lịch theo hướng đô thị sinh thái.

Vườn rau sạch để khách chụp hình và làm quà cho khách mang về ở Phong Điển. Ảnh: TTXVN

Đánh giá cao những kết quả mà huyện Phong Điền đã đạt được trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Phạm Văn Hiểu cũng nêu rõ, tại Phong Điền, giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, huyện có nhiều mô hình du lịch kết hợp phát triển vườn cây ăn quả, nâng cao giá trị thu nhập cho các điểm du lịch. Lượng khách du lịch nội địa đến Phong Điền lớn. Bên cạnh phát triển du lịch, tốc độ phát triển đô thị ở Phong Điền nhanh hơn so với các huyện còn lại.

Để tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái bền vững, ông Phạm Văn Hiểu đề nghị thời gian tới, ngoài phát triển tốt vườn cây ăn quả, lãnh đạo huyện Phong Điền cần nâng cao giá trị bằng cách đăng ký mã vùng trồng, xuất xứ, đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu, đem lại thu nhập cao cho người dân. Song song đó, để góp phần thúc đẩy du lịch huyện quan tâm hơn nữa tới phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các dự án Trung ương, thành phố đầu tư cho địa bàn, khu đô thị mới, tuyến Quốc lộ 61C...

Huyện Phong Điền có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 9.955ha, trong đó đất trồng cây ăn trái trên 8.600 ha. Sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển ổn định, duy trì sản lượng khá, cơ cấu nông nghiệp đang dần chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng tiêu chuẩn VietGAP. Phong Điền đã xây dựng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: sầu riêng Tân Thới, vú sữa Giai Xuân, dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái, nhãn xã Nhơn Nghĩa...

Toàn huyện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 4 di tích cấp thành phố. Năm 2022, các điểm du lịch, khu di tích đón tiếp trên 1,3 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 445 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh du lịch được đầu tư nâng cấp, chất lượng dịch vụ ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Bình, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Phong Điền, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở, đất thương mại dịch vụ của các điểm du lịch gặp khó khăn nên dẫn đến việc huyện bị hạn chế trong việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Một vài điểm du lịch được hình thành còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Lực lượng lao động phục vụ cho du lịch nói chung và các điểm vườn du lịch nói riêng đã được quan tâm đào tạo bồi dưỡng nhưng vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp... Trong khi đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Phần lớn nông dân chưa đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, làm hạn chế việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, nông nghiệp hữu cơ năng suất thấp, giá thành cao, khó tiêu thụ khiến nông nghiệp phát triển còn khó khăn.

Trước đó, ông Phạm Văn Hiểu và đại diện các sở, ngành đã đến kiểm tra một số điểm sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phong Điền./.


Thu Hiền

Xem thêm