Chính phủ hành động

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, hoạt động khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, cảnh quan, theo định hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

TTXVN - Chiều 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Đồng chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, khoáng sản là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý hiếm, chỉ xếp sau con người. Vì thế Quốc hội, Chính phủ đã xác định, cần phải có quy hoạch ngành cấp quốc gia, trong đó có ngành tài nguyên khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Nêu một số vấn đề, nội dung cần tập trung làm rõ trong dự thảo Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Quy hoạch ngành quốc gia phải tuân thủ, đồng bộ với quy hoạch quốc gia. Trên thực tế, quy hoạch quốc gia chưa được thông qua, nhưng quy hoạch ngành quốc gia đã được thông qua. Bởi nếu không thông qua quy hoạch này, đồng nghĩa hàng loạt những vấn đề liên quan đến tài nguyên khoáng sản trong những năm tới không thể làm gì được. Trong khi đó, hiện nay, các địa phương đang rốt ráo để hoàn thiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng. Nếu không hoàn thành quy hoạch ngành quốc gia, rất khó khăn cho địa phương. Nếu thông qua quy hoạch ngành quốc gia muộn hơn các địa phương, sẽ mất thời gian, tốn kém trong điều chỉnh để thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, mục tiêu của đất nước đã đề ra”.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 12 quy hoạch liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nhóm/loại khoáng sản khác nhau, được thực hiện trong những năm qua, đã đánh giá tác động của việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường, đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vệ sinh thái. Đồng thời, các quy hoạch đã phân tích đánh giá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan đến khai thác, sử dụng các loại khoáng sản. Tuy nhiên, công tác chế biến khoáng sản kim loại chưa thực hiện được theo các quy hoạch đã phê duyệt trước đó với tỷ lệ thực hiện thấp (khai thác boxit đạt 33%, titan 25%, chì - kẽm 27%, sắt 30%, cromit và mangan 0%...).

Trong khi đó, theo dự báo, nhu cầu nguyên liệu khoáng sản trong nước tăng trung bình 6,5%/năm theo tốc độ phát triển kinh tế và dự báo nhu cầu khoáng sản kim loại trên thế giới. Xu hướng tăng về nhu cầu và giá các kim loại cơ bản, kim loại hiếm, nguyên liệu khoáng khác phục vụ công nghệ điện tử, pin năng lượng… có nguy cơ thiếu hụt.

Do đó, việc xây dựng dự thảo Quy hoạch nhằm thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả lợi ích kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư các dự án khai thác, chế biến sâu khoáng sản chiến lược có quy mô lớn, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác, đảm bảo nguồn khoáng sản dự trữ quốc gia. Việc sử dụng khoáng sản phải đảm bảo cân đối hài hòa giữa xuất-nhập khẩu, đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước, cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến, chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định…

Dự kiến, tổng số vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản trong giai đoạn 2021 - 2030, 2030 - 2050 khoảng 661 nghìn tỷ đồng. Quy hoạch đề ra các giải pháp thực hiện về pháp luật, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học - công nghệ và môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; đáp ứng nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà phản biện đánh giá, nội dung dự thảo Quy hoạch được xây dựng công phu với khối lượng công việc lớn, bám sát các nội dung, nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo cơ bản tuân thủ quy trình lập, trình tự thẩm định theo quy định của pháp luật; đồng thời thống nhất đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý, sau đó, cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua.

Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật các văn bản pháp lý, tiêu chuẩn mới nhất, bổ sung định hướng về đánh giá tác động môi trường và cải tạo phục hồi môi trường của các dự án phục hồi thăm dò; quản lý chặt chẽ biện pháp cải tạo môi trường đối với từng loại hình khoáng sản, công nghệ khai thác áp dụng; xem xét đến các mục tiêu tăng trưởng sản lượng alumin; cân nhắc giữ lại các quy định về công suất tối thiểu của dự án đầu tư chế biến quặng titan…

Gắn điều tra với quy hoạch và nhu cầu của thị trường

Đánh giá cao những ý kiến phản biện, đề xuất tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, dự thảo Quy hoạch đã tổng hợp, thu thập dữ liệu của các quy hoạch đã, đang triển khai để đánh giá quy mô, trữ lượng khoáng sản; tuy nhiên, cần tiếp tục bổ sung các số liệu, bảo đảm chính xác, tin cậy. Bên cạnh đó, Quy hoạch cần chú ý tới yêu cầu về công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản để đánh giá chính xác trữ lượng, quy mô khoáng sản, nhất là những tài nguyên, khoáng sản đi kèm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

“Đối với những mỏ khoáng sản có thể bảo vệ, lưu giữ được, phải để dành cho thế hệ mai sau, thực hiện khai thác theo hình thức 'cuốn chiếu' để trả lại diện tích thực hiện các hoạt động kinh tế khác. Không khai thác khoáng sản nếu phá vỡ cảnh quan hoặc những nơi có thể phát triển hoạt động kinh tế hiệu quả, thân thiện hơn, đặc biệt, không hy sinh lợi ích người dân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu, hoạt động khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên, cảnh quan, theo định hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

Phân tích thực trạng các bãi thải đất, đá từ hoạt động khai thác mỏ, Phó Thủ tướng gợi mở hướng sử dụng đất, đá thải làm vật liệu san lấp thông thường; nghiên cứu, đánh giá kỹ tầng đất sau khi khai thác các mỏ quặng lộ thiên để có phương án hoàn thổ phù hợp, hiệu quả hơn so với hiện nay. “Quy hoạch cần tính đến năng lực cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, công nghệ khai thác, chế biến”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Trong tổ chức, thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương giải quyết bài toán cung - cầu thị trường, “gắn điều tra với quy hoạch và nhu cầu của thị trường”.

Bộ Công Thương tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ, xây dựng cơ sở dữ liệu của Quy hoạch, cập nhật thường xuyên, kết nối, chia sẻ với các quy hoạch liên quan trong quá trình triển khai, phục vụ công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; có quy hoạch riêng đối với các loại tài nguyên khoáng sản chiến lược, đặc biệt./.

Diệp Trương

Tin liên quan

Xem thêm