Chính phủ hành động

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu hoạt động điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh sạt lở bờ biển; đánh giá tiềm năng các mỏ vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng; tiềm năng khoáng sản, nguyên-vật liệu chiến lược…

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

TTXVN - Ngày 8/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp của Hội đồng thẩm định quốc gia Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch).

Điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là quy hoạch lớn, chuyên môn sâu về kỹ thuật, kinh tế, có vai trò, ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cơ quan chủ trì xây dựng, soạn thảo quy hoạch đã nỗ lực, nghiêm túc, cầu thị, khoa học, bài bản, đúng với quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Các đóng góp, phản biện của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học đã được nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch; giúp Hội đồng đánh giá quá trình triển khai, tổ chức xây dựng Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo Luật Quy hoạch và các luật pháp liên quan, theo đúng trình tự thủ tục, quy trình, căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn… Đồng thời, các ý kiến đã chỉ ra những nội dung, vấn đề cần chỉnh sửa một cách toàn diện, thẳng thắn, khoa học, công tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

Khẳng định công tác điều tra, khảo sát địa chất là hoạt động nghiên cứu rất cơ bản, phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu, quá trình tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch phải bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Luật Quy hoạch, nhiệm vụ Thủ tướng đã phê duyệt, các nghị quyết có liên quan của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược phát triển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản cũng như chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các bộ ngành, địa phương, từ đó đặt ra những định hướng, nhiệm vụ ưu tiên. “Bám sát các văn bản pháp lý, chiến lược, quy hoạch nhưng cần linh hoạt”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Ghi nhận ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị cập nhật, bổ sung đầy đủ thông tin, số liệu, kết quả, nhất là tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong thực hiện hiện điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản thời gian qua, không chỉ ở Bộ Tài nguyên và Môi trường mà cả ở Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam, các đại học quốc gia… Từ đó có bức tranh đầy đủ, toàn diện, hiệu quả thực chất về độ bao phủ, khối lượng công việc đã thực hiện trong hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, khoáng sản, bổ trợ nguồn lực lẫn nhau.

“Vừa qua, hầu hết các hoạt động điều tra địa chất cơ bản chỉ tập trung đánh giá trữ lượng khoáng sản, trong khi tư liệu về tài nguyên địa chất còn thiếu”, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rút kinh nghiệm từ những dự án điều tra địa chất, khoáng sản lớn đã triển khai để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hoạt động điều tra cơ bản địa chất phải căn cứ vào tiến bộ khoa học-công nghệ; các ưu tiên, nhu cầu phát triển; lợi thế và yêu cầu của thị trường. “Nhiều đề án, nhiệm vụ muốn triển khai phải nghiên cứu thêm về công nghệ, phương pháp vậy có cần đặt ra trong Quy hoạch hay không”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Khoa học và Công nghệ để hoàn thiện các tiêu chí xác định phạm vi, quy mô triển khai, lĩnh vực cần tập trung, những nhiệm vụ mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước...

Phó Thủ tướng yêu cầu hoạt động điều tra cơ bản địa chất phải đi trước một bước trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh sạt lở bờ biển; đánh giá tiềm năng các mỏ vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng; tiềm năng khoáng sản, nguyên - vật liệu chiến lược…; đi đôi với công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến, nhất là những khu vực có yêu cầu cụ thể, ưu tiên.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch phải thống nhất cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản địa chất thống nhất, phục vụ công tác quản lý tài nguyên địa chất, khoáng sản trên cả nước, cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu. Lực lượng điều tra, khảo sát địa chất phải được quy hoạch, tổ chức lại; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trang thiết bị, máy móc hiện đại trên cơ sở rà soát toàn bộ quy định pháp luật, đặc biệt các định mức đơn giá, thiết bị kỹ thuật.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lựa chọn nhiệm vụ, dự án có tính cấp bách, ưu tiên

Trước đó, trình bày dự thảo báo cáo thẩm định dự thảo Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Tiến sỹ Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch) cho biết, trong quá trình xây dựng, nội dung quy hoạch đã được so sánh với các văn bản pháp luật liên quan, quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, quán triệt tinh thần Nghị quyết 10/NQ-TW của của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều giải pháp thực hiện, bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ quá trình thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia, cần được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ. Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng. Thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản phải quản lý tập trung, thống nhất.

Tại phiên họp, các ý kiến nhận định, tài liệu hồ sơ trong dự thảo Quy hoạch đã được chuẩn bị, tiếp thu, giải trình, đăng tải theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch. Quy hoạch đã nêu đúng, đầy đủ hiện trạng, tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhất là về nguồn lực, tài chính…

“Ý kiến, góp ý của 69 tổ chức, bộ ngành, địa phương, chuyên gia trong nhiều phiên họp trước đã được tiếp thu, giải trình chi tiết, hợp lý, có cơ sở khoa học, căn cứ pháp luật”, Tiến sỹ Nguyễn Thành Vạn, Tổng hội Địa chất Việt Nam đánh giá; đồng thời cho rằng, các mục tiêu tổng quát, cụ thể, có tính khả thi, nếu thực hiện đúng như quy hoạch đề ra thì đất nước sẽ có nguồn tài liệu, cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, đủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tiến sỹ Trần Tất Thắng (Tổng hội Địa chất Việt Nam) đề xuất điều chỉnh một số nhiệm vụ điều tra địa chất tại khu vực miền núi, đô thị, nông thôn, biển đảo… phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; nâng cao năng lực nhân lực và trang thiết bị cho các đơn vị điều tra, khảo sát địa chất; có cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp, địa phương, các ngành cho điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản…

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, các tỉnh: Thái Nguyên, Kiên Giang, Quảng Bình, Đắk Lắk… cho rằng, cần căn cứ nguồn lực thực tế để lựa chọn nhiệm vụ, dự án có tính cấp bách, ưu tiên, khả thi để tập trung thực hiện, trong đó nhấn mạnh vai trò điều phối tổng thể cũng như bố trí nguồn lực từ Trung ương./.

PV

Tin liên quan

Xem thêm