Văn hóa

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Phát triển văn hóa, nguồn nhân lực, con người Thủ đô

Hà Nội

Qua hai năm triển khai, Hà Nội đã tạo đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Thủ đô.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

TTXVN - Ngày 25/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025.

Ban Chỉ đạo Chương trình 06-Ctr/TU khẳng định, qua hai năm triển khai, Hà Nội tạo đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Đó chính là sự kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới, vận dụng sáng tạo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng.

Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy đã đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Đến quý I/2023 cơ bản các chỉ tiêu thuộc các nhóm đạt kết quả tốt. Tiêu biểu như: Nhóm chỉ tiêu về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa có 2 chỉ tiêu đạt 100%; nhóm chỉ tiêu phát triển thể thao có 3 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; nhóm chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm có 3 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt so với kế hoạch… Thành phố tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược liên quan đến phát triển văn hóa Thủ đô như: rà soát quy hoạch Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao, trường học, cơ sở dạy nghề, các nhà hát thành phố; quy hoạch quảng cáo tấm lớn trên địa bàn; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách liên quan phục vụ phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục của Thủ đô.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa được triển khai bằng việc thực hiện các nội dung của Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, hình thành nhiều mô hình mới, sáng tạo. Các mô hình thôn, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu như: “Thôn, tổ dân phố tự quản”, “Thôn, tổ dân phố 5 không, 3 sạch” được xây dựng và nhân rộng trên địa bàn. Hàng năm, thành phố có 88% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 63% thôn, làng đạt danh hiệu Làng văn hóa; 72,5% tổ dân phố đạt danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt được kết quả đáng ghi nhận với việc hoàn thành xếp hạng 1 di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng hồ sơ 1 di tích khác; nâng cấp xếp hạng 3 di tích quốc gia; xếp hạng 52 di tích cấp thành phố. Giai đoạn 2021-2025, thành phố dành nguồn kinh phí cho 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích với tổng kinh phí là 14.029 tỷ đồng; trong đó có 58 dự án cấp thành phố và 521 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp quận, huyện.

Trong hai năm qua, chất lượng giáo dục của Hà Nội tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học. Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp có nhiều đổi mới. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 2.500 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; doanh nghiệp đặt hàng đào tạo.

Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thành phố đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Trong đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, gương mẫu và tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội được đề cao. Địa phương tăng cường giáo dục thẩm mỹ, thể chất, tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”; “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Ngành Văn hóa cùng các sở, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa với mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU nhấn mạnh, sau hai năm triển khai, Chương trình đã tạo chuyển biến từ thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa, nguồn nhân lực, con người Hà Nội. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, xây dựng mô hình văn hóa sáng tạo, phát huy một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào các hoạt động dịch vụ, thúc đẩy du lịch phát triển song song với việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bước đầu, thành phố huy động được các nguồn lực từ xã hội trong phát triển văn hóa. Hợp tác quốc tế và công tác thể thao được nâng lên ở tầm cao mới.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, các cấp, ngành vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về triển khai chương trình. Do đó, Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU sẽ thực hiện kiểm tra trong thời gian tới để thống nhất lại nhận thức và có quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện. Thành phố tiếp tục quan tâm đến vấn đề văn hóa cơ sở, quan tâm thực chất hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị rà soát, đánh giá lại việc thực hiện chương trình, có giải pháp cụ thể để đạt được kết quả cao hơn nữa, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình 06-CTr/TU và Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND thành phố về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" giai đoạn 2021-2025. Đó là việc triển khai hiệu quả các kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; phát triển du lịch; chăm lo công tác giáo dục phổ thông, công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…/.

Đinh Thuận

Xem thêm