Du lịch

Phát triển bền vững du lịch sinh thái - Bài 2: Gắn với đời sống cộng đồng

TP. Hồ Chí Minh

Tại nhiều địa phương, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang thực sự góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Du khách tham gia tour xuyên rừng Đất Mũi Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

TTXVN - Các địa phương chú trọng khai thác tài nguyên du lịch từ thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, tạo mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tạo thu nhập chính đáng cho người dân.

* Bảo vệ môi trường

Hai Phó Giáo sư Phạm Hồng Long và Ngô Việt Anh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, phát triển du lịch sinh thái ở nước ta hiện nay bước đầu đạt được nhiều thành tựu trong bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và du khách về trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên.

Cũng theo Phó Giáo sư Phạm Hồng Long và cộng sự, trong số khoảng gần 170 khu rừng đặc dụng hiện có trên toàn quốc, có trên 60 khu đã tổ chức kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đang tổ chức hoạt động du lịch sinh thái theo những hình thức chủ yếu như, tự tổ chức liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng. Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái chủ yếu tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở nước ta có thể kể đến như tham quan (các vườn quốc gia Xuân Thủy, Tràm Chim, Mũi Cà Mau...), du lịch xem thú (Vườn quốc gia Cát Tiên, Phong Nha - Kẻ Bàng), du lịch xem rùa đẻ lặn xem san hô (Vườn quốc gia Côn Đảo, Núi Chúa - Ninh Thuận, vịnh Nha Trang...). Bên cạnh đó, còn có các hoạt động như tham quan hang động hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng ngập mặn…

Cùng đề cập về phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, đại diện Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai (thuộc Khu bảo tồn nhiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho hay, khu bảo tồn nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam - một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai. Vùng lõi của khu bảo tồn là những cánh rừng tự nhiên liền mạch, là diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý, hiếm. Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là điểm nóng về đa dạng sinh học của khu vực và quốc tế. Vì vậy, tại đây, công tác truyền thông và giáo dục môi trường được đẩy mạnh nhằm tôn vinh những giá trị về tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên nhân văn. Trong quá trình phát triển du lịch, cộng đồng dân cư địa phương được trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức về rừng, đa dạng sinh học, đời sống kinh tế được quan tâm hơn nhằm giảm áp lực vào rừng và tạo ra mô hình, sản phẩm đặc trưng của khu bảo tồn thiên nhiên.

Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ được giao thực hiện công tác phát triển du lịch kết hợp tuyên truyền, giáo dục môi trường cho cộng đồng dân cư. Trung tâm luôn tích cực thực hiện kết hợp, lồng ghép hoạt động du lịch sinh thái - văn hóa - nông nghiệp trong cộng đồng dân cư với tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường. Để người dân trong vùng đệm và vùng lõi khu bảo tồn được nâng cao nhận thức, vốn kiến thức về bảo vệ rừng, từ đó lan tỏa đến du khách, Trung tâm đã thành lập các Câu lạc bộ Xanh trong cộng đồng dân cư. Các thành viên câu lạc bộ tham gia tuyên truyền bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và môi trường, sáng tác ca khúc, bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của môi trường thiên nhiên. Với những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, khu bảo tồn xây dựng tour du lịch sinh thái xuyên rừng, hồ, giáo dục môi trường và đặc biệt là kết hợp giao lưu văn hóa - tham gia hoạt động nông nghiệp tại cộng đồng dân cư, với các thành viên Câu lạc bộ Xanh để cùng lan tỏa hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Ở Cà Mau, nhấn mạnh yếu tố bảo vệ, gìn giữ môi trường, hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi cực Nam đất nước gắn với phát triển du lịch sinh thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, tỉnh đã có Đề án phát triển Làng văn hóa du lịch Đất Mũi tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) - nơi tập trung nhiều hộ làm du lịch sinh thái, cũng là nơi diễn ra chân thực đời sống sinh hoạt với phong tục, tập quán, nét văn hóa của người dân địa phương. Làng được bao quanh bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn, thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Trên cơ sở Đề án, huyện Ngọc Hiển, xã Đất Mũi với sự phối hợp của các đơn vị chức năng đang triển khai nhiều giải pháp quy hoạch, khai thác, phát triển mạnh một số ngành nghề nông thôn tiêu biểu gắn với phát triển du lịch sinh thái mang nét riêng của cư dân vùng Đất Mũi. Từ đó, đóng góp tích cực vào thương hiệu du lịch Cà Mau. Làng sẽ được hoàn thiện nhiều cảnh quan, cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch của địa phương nhưng vẫn bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường, sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

* Nâng cao đời sống người dân

Tạo sự đa dạng độc đáo cho sản phẩm du lịch, tạo việc làm, nâng cao đời sống cư, dân bản địa, gắn liền với bảo vệ môi trường bền vững là yêu cầu đặt ra, là đích đến của du lịch sinh thái. Tại nhiều địa phương, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang thực sự góp phần xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Du lịch sinh thái mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát triển ở nhiều vùng nông thôn, tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thu nhập trực tiếp từ hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động du lịch sinh thái, đời sống cộng đồng, văn hóa các địa phương, vùng miền càng được tôn trọng, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị và được giới thiệu, quảng bá rộng rãi.

Khu du lịch Rừng tràm Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang) thu hút đông khách du lịch tham quan. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Các Thạc sỹ Lưu Phước Vẹn và Trần Công Dũ (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng chung nhận định, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn “thay áo mới”, rút ngắn khoảng cách với thành thị. Khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 - 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong tổng thu nhập của người dân nông thôn hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%.

Tại Bến Tre, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Miệt Vườn (xã Tân Phú, Bến Tre) cho hay, dịp lễ, cuối tuần, nhà vườn phục vụ khoảng 300 - 400 lượt khách mỗi ngày. Ở xã Tân Phú, các nhà vườn liên kết, cùng nhau làm mô hình du lịch sinh thái, để du khách có thể lựa chọn, thưởng thức nhiều loại trái cây, món ăn khác nhau như cá tai tượng, gỏi ốc, chuột dừa, tôm sông, ếch đồng, bánh xèo..., góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân từ chính những đặc sản địa phương được giới thiệu đến du khách.

Ông Phạm Duy Khanh, quản lý Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ở xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) chia sẻ, rừng Quốc gia U Minh Hạ nổi tiếng với rừng tràm bạt ngàn, hệ sinh thái nước ngọt đa dạng. Những năm gần đây, mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm các hoạt động như tham quan rừng tràm, cùng đi gác kèo ong (làm nhà cho ong về kéo mật), đi “ăn” ong (thu hoạch mật ong) hay giăng lưới, cắm câu bắt cá đồng… đang thu hút nhiều du khách. Những du khách yêu thích trải nghiệm, muốn tự tay thu hoạch mật ong rừng tràm đã ở lại nhiều ngày tại khu du lịch, đi thu hoạch và mua sản phẩm mật ong nguyên chất, đặt hàng thưởng thức đặc sản do chính nông dân vùng rừng U Minh Hạ chế biến, giới thiệu, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân sản xuất kết hợp làm du lịch sinh thái ở địa phương./.(Còn tiếp)

Bài cuối: Tăng kết nối, đổi mới quảng bá

Thanh Trà

Tin liên quan

Xem thêm