Môi trường

Phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Lắk

Đắk Lắk

Trong suốt thời gian hình thành và phát triển từ năm 1976 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Lực lượng Kiểm lâm họp bàn phương án tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN)

TTXVN -Tỉnh Đắk Lắk hiện có 501.206 ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên 426.046 ha, rừng trồng 75.160 ha, độ che phủ rừng ước tính đạt 38,35%. Đặc thù địa bàn rộng, địa hình hiểm trở và luôn "nóng" về tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng rừng, áp lực luôn đè nặng "trên vai" lực lượng kiểm lâm. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay nhiều khó khăn vẫn "bủa vây" và tạo ra những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Đắk Lắk.

* Những khó khăn

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong suốt thời gian hình thành và phát triển từ năm 1976 đến nay, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đắk Lắk từ chỗ chưa có chủ quản lý, bảo vệ và tổ chức kinh doanh sử dụng rừng, đến nay phần lớn rừng đã có chủ quản lý. Ngành Lâm nghiệp tỉnh đã trồng trên 80.000 ha rừng trên toàn tỉnh; tham gia nhiệm vụ xây dựng xã hội như: Công tác định canh, định cư, kinh tế mới, giải quyết dân di cư tự do, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào…, góp phần giải quyết nạn phá rừng, xâm hại tài nguyên rừng; cứu sống, thả hàng tấn động vật hoang dã về môi trường thiên nhiên.

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả mà lực lượng Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình trạng dân di cư tự do phá rừng làm đất ở và canh tác vẫn còn phức tạp. Cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn tiếp diễn.

Trong khi đó, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa cụ thể; nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn thấp. Số lượng kiểm lâm, lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn thiếu so với nhu cầu thực tế, trong khi diện tích rừng quản lý rộng, áp lực nặng nề, chế độ, chính sách chưa đảm bảo, điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn. Thu nhập thấp, trách nhiệm cao trong khi rừng vẫn tiếp tục bị suy giảm...

Gần 35 năm trong nghề Kiểm lâm, ông Lê Văn Trọng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar chia sẻ, thực tế cho thấy, nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm rất nặng nề nhưng trang bị cơ sở vật chất, con người còn thiếu và yếu. Các chế độ, chính sách hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm còn hạn chế. Đời sống của cán bộ kiểm lâm thấp so với mặt bằng chung, trong khi đặc thù công việc phải làm nhiệm vụ ở các vùng, sâu vùng xa, địa hình phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc có nhiều người trong lực lượng xin nghỉ việc, chuyển công tác. Điều này tạo nên thách thức lớn trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, tác động đến phương thức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin Lộc Xuân Nghĩa cho rằng: Đặc thù công việc khó khăn nhưng chế độ, chính sách đối với lực lượng vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, người lao động làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, trên 50% thời gian làm việc trực tiếp trong rừng, môi trường làm việc phức tạp, nguy hiểm, đã xảy ra nhiều vụ chống trả lực lượng chức năng. Trong đó, vụ việc nghiêm trọng vào năm 2018 khiến hai cán bộ Kiểm lâm vườn bị thương nặng, mất khả năng lao động nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách.

* Bảo vệ, phát triển rừng trong tình hình mới

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk: Toàn lực lượng hiện có 245 công chức với 13 Hạt Kiểm lâm, ba đội cơ động. Đứng trước những khó khăn, áp lực giữ và phát triển rừng, lực lượng Kiểm lâm Đắk Lắk luôn nỗ lực, phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát triển rừng, thậm chí đã có những cán bộ bị thương nặng trong quá trình làm nhiệm vụ.

Kế thừa, phát huy truyền thống và kết quả đạt được của thế hệ trước, thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm Đắk Lắk sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, luôn đoàn kết, chủ động đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển theo xu hướng ứng dụng công nghệ thì công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cần ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường khoa học công nghệ để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, Kiểm lâm Đắk Lắk sẽ đầu tư cơ sở vật chất, con người để triển khai hệ thống quản lý, bảo vệ rừng bằng các ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững", ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho hay, lực lượng Kiểm lâm đang bước vào giai đoạn mới với nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Do đó, yêu cầu lực lượng kiểm lâm Đắk Lắk tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, luôn đoàn kết, chủ động đổi mới, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng tiên phong trên mặt trận bảo vệ và phát triển rừng, vì màu xanh cho nhân loại.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương nghiên cứu giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế về lâm nghiệp của nước ta ngày càng sâu rộng, Việt Nam là một trong các quốc gia được lựa chọn thí điểm về giảm phát thải khí nhà kính của Liên hợp quốc và được quan tâm hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ quốc tế cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; Chương trình hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho ngành Lâm nghiệp 2023 - 2027. Đây đều là những cơ hội lớn cần được nắm bắt, phát huy kịp thời để kêu gọi, huy động nguồn lực cho bảo vệ, phát triển rừng,  ứng dụng công nghệ cao trong quản trị rừng, kinh tế lâm nghiệp, đưa ngành lâm nghiệp tỉnh  có bước chuyển biến mạnh mẽ, phát triển đột phá trong thời gian tới./.

Tuấn Anh

Xem thêm