Văn hóa

Phát huy nguồn lực văn hóa phát triển Thủ đô * Bài 3: Kỳ vọng phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa

Hà Nội

Hà Nội kỳ vọng phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa về quy mô, chất lượng sản phẩm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

TTXVN - Hà Nội ban hành nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa, trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Với nguồn lực văn hóa phong phú, từ những giá trị hữu hình đến giá trị tinh thần, thành phố kỳ vọng phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa về quy mô, chất lượng sản phẩm, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thương hiệu cho văn hóa Hà Nội

Người Hà Nội vốn bản tính cần cù, sáng tạo, lại được nuôi dưỡng tâm hồn trong môi trường giàu truyền thống văn hóa và chính môi trường đó là nơi thu nhận nhiều luồng văn hóa mới từ bên ngoài du nhập vào. Bởi vậy, sự thăng hoa trong tâm hồn, sự say mê trong công việc của những người làm nghệ thuật đã hình thành nên sản phẩm văn hóa có tính sáng tạo cao. Trong đó, nhiều sản phẩm sáng tạo đang dần trở thành thương hiệu cho văn hóa Hà Nội.

 Một hoạt cảnh trong vở thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Khu Du lịch Tuần Châu Hà Nội đã chạm đến cảm xúc người xem khi kể câu chuyện về cuộc sống, văn hóa người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ bằng lối thể hiện ấn tượng. Những người làm chương trình đã rất thành công khi kết hợp các yếu tố thi ca, nhạc họa đến Phật giáo, tín ngưỡng… Đặc biệt, các màn trình diễn được hỗ trợ bởi công nghệ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, thiết bị hiện đại; diễn viên đa phần là nông dân địa phương tham gia biểu diễn.

Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” - Monsoon Music Festival sau thời gian gián đoạn bởi COVID-19 đã trở lại vào tháng 10 năm nay. Sự kiện diễn ra gần 10 ngày, có sự tham dự của hơn 40 nghệ sĩ, ban nhạc trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn ở nhiều điểm văn hóa trên địa bàn thành phố. Lễ hội dần trở thành sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hà Nội, được thành phố quan tâm trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Bên cạnh đó, chương trình tích hợp giữa hát chèo và múa rối nước trên cùng một sân khấu trong vở diễn “Long Thành diễn xướng” của Nhà hát Chèo Hà Nội đưa vào phục vụ du khách cũng là sản phẩm mang tính sáng tạo cao. Nhiều loại hình nghệ thuật khác được khéo léo đưa vào vở diễn như Chầu văn, Ca trù, độc tấu nhạc cụ dân tộc…

Các sản phẩm văn hóa mang tính sáng tạo hiện hữu ở khắp mọi nơi. Từ sản phẩm văn hóa cộng đồng như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố Bích họa Phùng Hưng, phố Sách Hà Nội hay không gian phục vụ hoạt động sáng tạo: Trung tâm nghệ thuật 22 Hàng Buồm, 282 Design, Complex 01 và vật dụng gần gũi với đời sống người dân, đều được đông đảo công chúng biết tới. Hàng năm, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức, quy tụ hàng nghìn sản phẩm sáng tạo của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia, với mẫu mã độc đáo, ứng dụng thuận lợi trong cuộc sống.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguồn lực văn hóa ở Thủ đô phong phú, đa dạng. Nếu không kết nối với sáng tạo, sản xuất, tạo nên giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Thời gian qua, Hà Nội đã từng bước khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa để tạo ra sản phẩm văn hóa có tính sáng tạo cao. Song, thành phố cần tiếp tục tìm ra giải pháp để chuyển nguồn lực này vào phát triển kinh tế xã hội, trong đó, tập trung đổi mới tư duy, xây dựng và hoàn thiện chính sách, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu văn hóa của Thủ đô.

Định vị thương hiệu thành phố sáng tạo

Công nghiệp văn hóa sẽ được xây dựng dựa trên những bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Gần 4 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững đang dần được hiện thực hóa. Hà Nội đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa và con người, chuyển hóa nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Hàng loạt các sáng kiến Hà Nội cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã và đang được triển khai như: Tổ chức các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững thành phố (thiết kế các không gian sáng tạo, thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội, thiết kế Km số 0…). Các không gian tuyến phố đi bộ, không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công được mở rộng. Các cuộc trưng bày, triển lãm mang tính sáng tạo; lễ hội văn hóa, lễ hội thiết kế sáng tạo được tổ chức…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đã giúp Thủ đô xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Việc xây dựng thành phố sáng tạo nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thành phố, nhiều nghị quyết, kế hoạch được ban hành, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Hà Nội là thành phố sáng tạo duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này, do vậy, các không gian sáng tạo và hoạt động sáng tạo luôn sôi động. Dù cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo chưa nhiều song các đơn vị, tổ chức, cá nhân luôn tích cực tham gia hoạt động sáng tạo.

Hợp tác xã Vụn Art, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông tìm một hướng đi riêng, tái chế mảnh vải vụn phế thải thành sản phẩm tinh tế sử dụng trong sinh hoạt như túi, ví, áo, tranh… trong đó tranh là dòng sản phẩm chủ đạo. Các bức tranh của Vụn Art được chuyển thể từ nhiều thể loại: Tranh dân gian Việt Nam, tranh đồng quê, tranh danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới, chân dung danh nhân, tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Cách chọn màu lụa, cách ghép hình tài tình đến mức, nếu nhìn từ xa không thể phân biệt đó là hình lụa ghép. Điều quan trọng, các sản phẩm đó được tạo nên từ những bàn tay khéo léo của người khuyết tật.

Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art Lê Việt Cường chia sẻ, sản phẩm Vụn Art góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, khơi gợi tư duy sáng tạo, sáng tác nghệ thuật của công chúng, góp phần giữ gìn, giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật và tận dụng, tiết kiệm nguyên liệu trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường.

Hà Nội đang tích cực hiện thực hóa sáng kiến, cam kết phát triển thành phố sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô bền vững. Thành phố luôn tạo mọi điều kiện nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành Kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế, theo Tiến sĩ Đỗ Thị Vân Liên, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, thành phố cần kết nối giữa truyền thống hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa, tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành môi trường thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Hà Nội cần phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái sáng tạo…

Di lịch văn hóa - sản phẩm đặc sắc của du lịch Hà Nội. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ, phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP Thủ đô. Việc khai thác các nguồn lực văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa đang được thành phố đẩy mạnh trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để ngành công nghiệp văn hóa vừa đáp ứng yêu cầu thời đại, vừa mang bản sắc riêng của Hà Nội. Ngay cả trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn hiện nay cũng đảm bảo nguyên tắc này./. 

Đinh Thuận - Nam Giang

Tin liên quan

Xem thêm