Văn hóa

Phát huy nguồn lực văn hóa phát triển Thủ đô * Bài 1: Động lực cho sự phát triển

Hà Nội

Thành phố chú trọng việc kết nối nguồn lực văn hóa với sáng tạo và sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư để phát huy vai trò, vị thế nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Hồ Gươm. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Trong nhiều nghị quyết, chương trình của Trung ương và Hà Nội, văn hóa đều được coi là nền tảng, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, đầu tư phát triển văn hóa được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác. Phát triển văn hóa không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Hà Nội đang từng bước vận dụng và triển khai các nghị quyết, chương trình của Trung ương về phát triển văn hóa phù hợp với thực tiễn. Trong đó, thành phố chú trọng việc kết nối nguồn lực văn hóa với sáng tạo và sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư để phát huy vai trò, vị thế nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt bài viết “Phát huy nguồn lực văn hóa phát triển Thủ đô” nhằm làm sáng rõ quan điểm, hành động của Hà Nội trong thực tiễn và hiệu quả của những nỗ lực đó khi khai thác, phát huy giá trị văn hóa phục vụ công cuộc phát triển Thủ đô.

Bài 1: Động lực cho sự phát triển

Hà Nội tự hào là “Thành phố di sản” với hệ thống 5.922 di tích văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề và làng có nghề, văn hóa ẩm thực phong phú cùng nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng, các danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Thủ đô văn hiến... Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý không phải địa phương nào cũng có được và trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển Thủ đô.

Vùng "đất trăm nghề"

Sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hà Nội với lợi thế là vùng "đất trăm nghề", có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, cùng hơn 1.000 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thật hiếm có một địa phương nào có số lượng làng nghề truyền thống nhiều như Hà Nội, với 42/57 làng nghề truyền thống. Đây là di sản rất quý của mỗi địa phương. Vì khi đến thăm một địa phương, mọi người đều có nhu cầu muốn mua một sản phẩm đặc trưng mang về làm lưu niệm. Quan trọng hơn cả là giải quyết việc làm tại chỗ cho cư dân nông thôn đảm bảo đời sống, an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Hà Nội còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, đền chùa nhưng vẫn chưa phát huy được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn.

"Muốn quảng bá, phát triển làng nghề, du lịch gắn với nông thôn cần có sự vào cuộc của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, môi trường, chính sách để hỗ trợ cho địa phương và người dân nông thôn Hà Nội phát triển", ông Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Vùng đất “trăm nghề” Hà Tây hợp nhất với Hà Nội giúp Thủ đô có tổng số làng nghề chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Giá trị sản xuất làng nghề hiện nay khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD/năm.

Những sản phẩm tiềm năng 5 sao của thành phố Hà Nội giúp thu về nhiều lợi nhuận, như: Sản phẩm bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn gốm sứ Quang Vinh - xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh - xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm...

Di sản Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Hà Nội còn có 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1 di sản văn hóa thế giới (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long); 1 di sản tư liệu thế giới (82 bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám); 2 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; kéo co ngồi ở hội đền Trấn Vũ và kéo mỏ ở hội đền Vua Bà - hồ sơ đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co”); 17 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 1.206 lễ hội ...

Đây cũng là một nguồn lực nội sinh lớn để ngành công nghiệp "không khói" của Hà Nội phát triển. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội kêu gọi: “Hãy đến Hà Nội, Việt Nam để khám phá những nét đẹp văn hóa, di sản của đất nước hình chữ S, để thưởng thức những món ăn tuyệt ngon của Hà Thành, để hiểu hơn về con người Việt Nam, để cảm nhận và yêu Hà Nội theo những cách riêng. Hãy đến Hà Nội, Việt Nam, hãy để lại những dấu chân đã đi qua và hãy nhớ Hà Nội, Việt Nam bằng những kỷ niệm đẹp đẽ”.

Nguồn lực lớn cho phát triển Thủ đô

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, ngày 25/5/2023. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại đang hiện diện trong đời sống xã hội hiện nay rất phong phú và đa dạng; nếu biết khai thác sẽ trở thành nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội trước mắt và lâu dài.

Lý giải về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, trong thời đại ngày nay, phát huy truyền thống hiếu học của Thăng Long - Hà Nội, cùng với các chính sách giáo dục, đào tạo của Nhà nước, của chính quyền thành phố Hà Nội đã tạo ra một nguồn lực tri thức, học vấn, khoa học to lớn để tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, năm 2010, Thủ đô đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%. Đây là nguồn lực văn hóa quan trọng và quý giá nhất, có tác động lớn, quyết định đối với các lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó có sự phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước.

Theo các nhà nghiên cứu, Hà Nội vốn có một nền khoa học, công nghệ cổ truyền từ thời đồ đồng, với những hiện vật đồng thau mà ngành Khảo cổ tìm thấy ở hầu hết các huyện ngoại thành: Đồ đồng ở Đông Anh, Triều Khúc ở Thanh Trì, Ngõa Long ở Từ Liêm, Yên Tràng ở Sóc Sơn, Giao Tốt ở Gia Lâm và ở cả nội thành - Ngọc Hà ở Ba Đình - như rìu đồng, mũi tên đồng, thạp đồng, trống đồng, mũi giáo đồng... đều là những bằng chứng của một nền kỹ thuật luyện kim đã phát triển lên một trình độ cao. Đặc biệt, trống đồng Cổ Loa phát hiện năm 1982 không thua kém các trống đồng nổi tiếng được biết đến trước đó như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Với trống đồng tinh xảo như vậy, đâu phải chỉ có kỹ thuật luyện kim mà phải có cả tri thức về nhiệt luyện, về cấu trúc tạo hình, về thanh âm và cả mỹ thuật (đạt đến trình độ tinh mỹ). Điều này có thể khẳng định, từ lâu người Hà Nội đã có nền khoa học, kỹ thuật đáng nể.

Song song với đó, Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, như hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc; nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá (trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa).

Hà Nội đã có quan hệ hợp tác với hơn 100 Thủ đô, thành phố các nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới. Trong đó, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước. Các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, phái đoàn ngoại giao, đại sứ quán và tổ chức quốc tế đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, Hà Nội còn quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Thành phố tập trung phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Trong thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020-2025) tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội cũng như đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch Thủ đô, nhất là du lịch sinh thái nông thôn.

Hiện nay, du lịch sinh thái nông thôn là nhu cầu rất lớn, dành cho những người khá giả và cả người có thu nhập thấp ở đô thị cũng có nhu cầu trải nghiệm, nhất là lớp trẻ. Đây chính là điều kiện để chuyển hướng sang kinh tế nông thôn và Hà Nội hoàn toàn có khả năng sẽ đi trước cả nước./.

Đinh Thuận – Nam Giang

Tin liên quan

Xem thêm