Xã hội

Nhân rộng những giá trị tốt đẹp của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Bắc Giang

Thông qua Ngày hội, các địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về nhân dân...

Lãnh đạo tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023 (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

TTXVN - Ngày 18/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.

Giai đoạn 2003 - 2023, Tỉnh Bắc Giang đã có 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, tạo khí thế vui tươi; trên 80% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”. Thông qua Ngày hội, các địa phương tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về nhân dân như: Vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp được 228,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 5,7 nghìn nhà "Đại đoàn kết" tổng trị giá 140 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng trên 473 nghìn suất quà, tổng trị giá 190 tỷ đồng.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là giải pháp quan trọng để phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, hơn 6,9 nghìn mô hình tự quản phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ thể thao, đội văn nghệ quần chúng… đã góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm an ninh trật tự.

Để nâng cao chất lượng, nhân rộng những giá trị tốt đẹp của Ngày hội Đại đoàn kết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần thống nhất quan điểm, nhận thức xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thường xuyên bám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của cấp trên về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời cụ thể hóa, đề ra các giải pháp đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của người dân để sớm đưa các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết đi vào cuộc sống; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sơ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề bức xúc, nổi cộm, nguyện vọng chính đáng của người dân ngay từ cơ sở, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; quan tâm rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức, nhất là Ban Công tác Mặt trận ở các cộng đồng dân cư, tạo nền tảng vững chắc ngay từ cấp cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, thuận lợi, khó khăn của việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại khu dân cư; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc tại cơ sở, công tác an sinh xã hội; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tặng Bằng khen cho 141 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023./.

Đồng Thúy

Xem thêm