Thời tiết

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước

Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

TTXVN - Sáng 23/3, tại thành phố Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3), Ngày Khí tượng Thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn tại 63 tỉnh, thành phố.

Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, biến đổi khí hậu được xem là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại trong thế kỷ XXI với những tác động tiêu cực, đe dọa đến các hoạt động phát triển bền vững. Các báo cáo về tình trạng khí hậu toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới thể hiện những thay đổi của hệ thống khí hậu trong những năm qua. Các chỉ số về nồng độ khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng của đại dương, axit hóa đại dương, băng tan và mực nước biển dâng, đều ở mức cao kỷ lục tại thời điểm quan trắc. Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn, các đợt nắng nóng kéo dài với cường độ cao hơn, lượng mưa lớn hơn và hạn hán cũng nghiêm trọng hơn.

Theo Liên hợp quốc, tài nguyên nước là một phần cơ bản của tất cả các khía cạnh của cuộc sống, gắn bó chặt chẽ với các giá trị xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, thông qua mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực... Tài nguyên nước là yếu tố quan trọng nhất để đạt được các chỉ tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.

Vì vậy, chủ đề Ngày Nước Thế giới: "Thúc đẩy sự thay đổi"; Ngày Khí tượng Thế giới: "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau" và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023 với chủ đề "Thời khắc quan trọng cho Trái đất" có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khía cạnh về môi trường - tài nguyên - sinh thái. Thời tiết, khí hậu và vòng tuần hoàn của nước không phân biệt ranh giới quốc gia.

Các thông điệp nêu trên nhằm nhấn mạnh, đây là thời điểm cần thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu; kêu gọi toàn thể cộng đồng hợp tác hành động, thể hiện vai trò và trách nhiệm trước sự tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, để chuyển hóa những thách thức và lan tỏa hưởng ứng các chủ đề, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, triển khai việc rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật liên quan tới khí tượng thủy văn, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan; quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh lối sống xanh và thân thiên môi trường, thiên nhiên, phát triển bền vững; nghiên cứu, áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất...

Chia sẻ về ý nghĩa buổi Lễ phát động, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã bám sát các quy định, đặc biệt là những nội dung phân cấp cho địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. Thực hiện các quy hoạch, điều tra, đánh giá về tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Là tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc và được dự báo sẽ bị tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tỉnh Hòa Bình luôn thấy rõ được tầm quan trọng của thời tiết và khí hậu. Các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ luôn "Sẵn sàng với thay đổi thời tiết, Ứng phó thông minh với khí hậu".

Bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, luôn tự hào là đối tác chiến lược của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các tỉnh và các cơ quan khác trong việc bảo vệ môi trường. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang hợp tác với nhiều sáng kiến về thông tin khí hậu, quản lý nguồn nước và năng lượng.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của bộ, ngành, chính quyền các địa phương và người dân sẽ có những đóng góp quan trọng, hỗ trợ thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27). Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cam kết tiếp tục hợp tác hiệu quả với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông và các đối tác phát triển để thúc đẩy và triển khai các hành động cần thiết, góp phần xây dựng một đất nước thịnh vượng, không bỏ lại ai ở phía sau", bà Ramla Al Khalidi khẳng định./.


Thắng Trung

Xem thêm