Xây dựng Đảng

Ngày Biên phòng toàn dân: Viết tiếp những câu chuyện xúc động nơi biên cương

Cao Bằng

Các anh đã thu dung, tiếp nhận, trao trả 48.258 công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép; kịp thời cứu mạng các phụ nữ khi sinh nở, hướng dẫn nhiều công dân bị lạc trong rừng sâu,... 

TTXVN - Giai đoạn 2020 - 2022 là những ngày tháng khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 300 km đường biên, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng còn phải căng mình quản lý, giúp đỡ, cứu nạn cho nhiều công dân trở về nước qua đường mòn, lối mở. Với tinh thần quyết tâm vượt khó, hy sinh vì sự bình yên của nhân dân, các anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cứu giúp thành công nhiều công dân gặp nạn trên biên giới.

Với địa hình biên giới cheo leo hiểm trở, Cao Bằng được ghi nhận là có công dân lao động bất hợp pháp trở về nhiều nhất cả nước. Từ năm 2020 - 1/2023, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã thu dung, tiếp nhận, trao trả 48.258 công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép. Trong đó, 2 địa bàn nóng nhất là khu vực Đồn Biên phòng Ngọc Côn và Đồn Biên phòng Lý Vạn quản lý.

Thượng tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Côn cho biết, "Đến nay, dịch COVID-19 được kiểm soát nhưng lượng công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép qua đường mòn biên giới vẫn còn khá nhiều. Những người lính biên cương như chúng tôi vẫn chưa lúc nào được thảnh thơi".

Xã Ngọc Côn là địa bàn có địa thế hiểm trở, công dân lao động bất hợp pháp thường xuyên trở về qua các mốc biên giới để chốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Do mất phương hướng, tự tìm đường đi nên nhiều trường hợp bị lạc trong rừng. Khi Bộ đội Biên phòng tìm thấy, họ hầu như đói khát, bị thương tích, mỏi mệt, kiệt sức. Vì thế, dù công dân đó đang là đối tượng vi phạm pháp luật nhưng trong lúc nguy cấp, an nguy đến tính mạng, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vẫn luôn sẵn sàng cứu giúp, cung cấp lương thực, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn tính mạng trước khi làm thủ tục xử lý vi phạm, tuyên truyền cho họ không được tái vi phạm xuất, nhập cảnh trái phép.

Thượng tá Trần Thanh Bình chia sẻ, cán bộ, chiến sĩ còn làm “ông đỡ” cho chị Lục Thị Hồng, quê ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn, hạ sinh cháu nhỏ giữa rừng biên giới. Anh kể lại, rạng sáng 23/5/2021, anh em trong Tổ kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 đi tuần tra, phát hiện 10 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về đến cột mốc 785-786 trong rừng sâu. Nhóm người bước đi rệu rã, mệt nhọc. Đến khi trời sáng hẳn, cả nhóm mới về đến nơi tổ đóng chốt. Lúc này, chị Hồng cho biết đang mang thai tháng thứ 7 - 8, chưa đến tháng sinh. Đến gần 8 giờ, chị Hồng kêu đau bụng và có hiện tượng trở dạ. Thành viên của Tổ kiểm soát nhanh chóng gọi điện thoại báo cáo thủ trưởng đơn vị, trạm y tế xã, huyện. Giữa lúc tình thế nguy cấp, cán bộ, chiến sĩ đã trở thành những “ông đỡ” bất đắc dĩ. Cháu bé được sinh ra an toàn, mạnh khỏe trong niềm biết ơn, xúc động, cảm phục của mọi người.

Đêm 11/7/2021, một nhóm công dân trở về qua đường mốc 806, bị lạc trong rừng sâu. Đến sáng 12/7/2021, một người trong số đó đã tử vong. Nhận được tin báo, Chỉ huy trưởng Đồn Biên phòng Ngọc Côn và cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Đình Phong đã băng rừng, vượt núi đến hiện trường để đưa thi thể nạn nhân xuống núi, hỗ trợ bàn giao cho người thân về an táng tại quê nhà.

Giữa năm 2022, chị Lê Thị Hà, quê ở Bản Phong (Tuần Giáo, Điện Biên) bị ngã gãy tay phải, xương chìa ra ngoài nhưng vẫn chịu đói khát trong rừng 3 ngày để tìm đường về đến mốc 797. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Đồn đã chỉ đạo cán bộ quân y đưa chị về trạm xá sơ cứu và đưa đi Bệnh viện tỉnh chữa trị kịp thời…

Tại Đồn Biên phòng Lý Vạn, một địa bàn có công dân nhập cảnh trái phép trở về nhiều nhất cả nước. Từ 2020 đến tháng 1/2023 đã có hơn 21 nghìn công dân trở về qua khu vực này. Thượng tá Hoàng Văn Bạc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lý Vạn kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy xúc động. Đúng ngày 30 Tết năm 2022, khi bộ đội và nhân dân biên giới đang chuẩn bị đón Tết thì được tin một nhóm công dân trở về qua mốc 857 – 858. Trong đó có một người tên Cao Thùy Dương, quê Hải Phòng, bị ngã gãy chân, mắc kẹt trên núi. Nhận được tin, đơn vị lập tức cử Tổ trinh sát đi tìm từ 11 giờ, đến 15 giờ mới thấy nạn nhân. Nơi nạn nhân mắc kẹt là trên vách núi đá cheo leo, hiểm trở nên việc tiếp cận, hỗ trợ rất khó. Sau một thời gian khá dài, những thanh niên trẻ khỏe nhất trong bản cùng với các chiến sĩ mới đưa được nạn nhân xuống núi bằng cách cho nạn nhân nằm trong võng rồi buộc dây thừng, thả xuống từ vách núi.

Tình thế nguy cấp, lúc này không ai nghĩ đến công dân Cao Thùy Dương có mắc COVID-19 hay không, có thể bị lây nhiễm hay không mà chỉ cố gắng leo thật nhanh trên vách đá trơn trượt để đến nơi công dân gặp nạn. Khi nạn nhân được tiếp đất an toàn, khiêng đi mấy bước thì hơi thở yếu dần, sự sống đang bị đe dọa. Rất may, sau một hồi được cán bộ, chiến sĩ tận tình chăm sóc y tế, nạn nhân đã dần hồi tỉnh. Cả đoàn đều mệt, đói, rét nhưng vẫn tập trung cao độ, tiếp tục thay nhau cáng nạn nhân đi trong mưa lạnh về đến đơn vị đúng phút Giao thừa.

Năm 2022, Đồn Biên phòng Lý Vạn giải cứu nhiều công dân gặp nạn mắc kẹt trên núi như các chị Nguyễn Thị Lý (Tuyên Quang), Ngô Diễm Trinh (Nghệ An) bị ngã gãy chân; một số nữ công dân đang mang thai, sau nhiều ngày đi lạc trên rừng đến biên giới đau bụng dọa sảy thai... Họ đều trở về trong trạng thái bị suy kiệt, hoảng loạn tinh thần và đều được đơn vị giữ lại chăm sóc tận tình, làm công tác tư tưởng rồi liên hệ với địa phương để xác nhận, đưa về nhà…

Giờ đây, khi đại dịch COVID-19 đã lắng xuống, những khó khăn nguy hiểm do bệnh dịch đang dần lùi xa, cuộc sống của người dân đang bình thường trở lại. Những người lính biên cương vẫn miệt mài hy sinh cả tuổi thanh xuân để viết tiếp những câu chuyện xúc động về lực lượng Bộ đội Biên phòng nơi biên giới./.

Quốc Đạt

Xem thêm