Chỉ đạo, Điều hành

Nâng tầm đô thị ở Quảng Ninh: Từ Nghị quyết hợp ý Đảng, lòng dân

Quảng Ninh

Ở Hạ Long, tấc đất được ví như tấc vàng. Tuy nhiên, ngay khi triển khai Nghị quyết, người dân tự nguyện hiến đất, hộ ít thì dưới 10 m2, hộ nhiều lên đến hàng trăm m2 “đất vàng”.

TTXVN - Thành phố Hạ Long là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Ninh; là đô thị loại I thuộc tỉnh. Hàng năm, Hạ Long thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều khu dân cư, đô thị xuống cấp, muốn cải tạo, nâng cấp theo hình thức triển khai các dự án sẽ rất khó khăn cả về ngân sách và phương án triển khai. Trước thực tế này, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 31/12/2020 về đầu tư, cải tạo, nâng cấp các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn.

Diện mạo đô thị ở trung tâm thành phố Hạ Long ngày càng khang trang nhờ  Nghị quyết 21. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

* Lan tỏa phong trào hiến “đất vàng” mở đường

Hạ Long là một đô thị đang phát triển mạnh mẽ, là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh - một trong những địa phương phát triển động lực của khu vực phía Bắc. Ở đây, tấc đất được ví như tấc vàng. Tuy nhiên, ngay khi triển khai, Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân. Người dân tự nguyện hiến đất, hộ ít thì dưới 10 m2, hộ nhiều lên đến hàng trăm m2 “đất vàng”.

Ngay tại trung tâm thành phố Hạ Long, gia đình thương binh Đoàn Giang Hảo (sinh năm 1950), sinh sống tại tổ 6, khu 2A, phường Hồng Hải, không ngần ngại hiến hơn 100 m2 đất để thực hiện công trình cải tạo, mở rộng tuyến đường, vỉa hè nhánh đấu nối phố Hoàng Diệu với đường Phan Đăng Lưu (ngõ 2). Tính theo giá thị trường thời điểm cuối năm 2022 khoảng 40 triệu/m2, diện tích gia đình đất ông Hảo hiến tương đương hơn 4 tỷ đồng.

Điều đáng nói, ngay khi có chủ trương, cả gia đình ông Hảo đều đồng thuận, tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Hiện gia đình ba thế hệ với 6 người nhà ông Hảo chỉ để lại hơn 70 m2 đất để sinh sống.

Ông Hảo chia sẻ, ông đã xác định từ trước, chỉ cần có chủ trương là gia đình ông sẵn sàng hiến đất. Bởi con đường chật hẹp, đi lại khó khăn, phải mở đường để thông thoáng. Giá đất đắt đỏ, nếu không có người tiên phong sẽ không tháo gỡ được nút thắt. Theo ông Hảo, việc mở đường trước tiên là có lợi cho chính người dân, bởi hạ tầng khu dân cư được cải tạo, nâng cấp, nhìn con phố rải thảm nhựa rộng thênh thang nối với đường lớn, bộ mặt khu phố được nâng lên một tầm mới, giá trị đất ở tăng lên gấp nhiều lần.

Tại ngõ 21, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, trên 30 hộ dân tham gia hiến hơn 380 m2 đất. Bà con kỳ vọng, sau khi dự án hoàn thành, hàng trăm nhân khẩu sống trong con ngõ sẽ có hạ tầng khang trang, rộng rãi hơn. Tuyến ngõ nhỏ hẹp sẽ được mở rộng lên 5,5m. Hệ thống đường điện, cáp quang, thoát nước… được hạ ngầm an toàn hơn trước.

Nhiều người dân được biểu dương nhờ tinh thần hiến đất làm đường theo Nghị quyết 21. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Ông Vũ Quang Tích (người dân ở ngõ 21) phấn khởi chia sẻ, chủ trương của thành phố đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng theo hình thức dân hiến đất, Nhà nước đầu tư thi công đã đi đúng vào lòng dân. Cơ bản các hộ dân trong khu phố đều ủng hộ và tự nguyện hiến đất để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính cuộc sống của bà con. Hơn thế nữa, nhiều thế hệ con cháu mai sau được thụ hưởng.

Tại phường Hùng Thắng, một trong những địa phương có nhiều dự án được triển khai từ Nghị quyết 21, nhiều hộ dân tham gia hiến đất mở đường. Trong đó, ông Phạm Văn Khởi ở tổ 11A, khu 4A, hiến 527m2 đất, giá trị tương đương khoảng 10,5 tỷ đồng.

Ông Khởi chia sẻ, lúc đầu, ông khá đắn đo vì đất đó là “của để dành”, muốn để lại cho con cháu. Được chính quyền, đoàn thể phường vận động và chính vợ ông động viên, ông Khởi đã “nghĩ thông” và tự nguyện hiến đất. Gia đình còn chặt bỏ nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ vài chục năm tuổi; phá bỏ căn nhà cấp bốn mà gia đình con gái ông đang ở cùng sân, bể nước, tường rào để giao mặt bằng triển khai dự án.

Trước đây, phần đất của gia đình ông là đoạn cuối, nếu không hiến đất mở đường sẽ là ngõ cụt. Tháo gỡ được nút thắt trong suy nghĩ, ông Khởi nhận thức rõ, việc hiến đất góp phần thúc đẩy đồng bộ hạ tầng, rút ngắn khoảng cách đô thị, tạo diện mạo mới và mở ra tuyến đường thông sang các khu dân cư. Một số đoạn đường đã được thi công. Ông Khởi không giấu được niềm vui, phấn khởi, nhìn khu dân cư của mình sống khang trang hơn rất nhiều. Ông còn tích cực vận động anh em, hàng xóm sớm hiến đất để làm đường.

* Nghị quyết hợp ý Đảng, lòng dân

Nghị quyết với mục tiêu đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị của thành phố Hạ Long hình thành trước năm 2005 phù hợp với quy hoạch; đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thiết yếu cho phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đặc biệt, Nghị quyết huy động các nguồn lực xã hội, theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Qua quá trình thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, trung thực, Nghị quyết đã lan tỏa, tạo thành phong trào hiến đất, làm đường rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần việc hiện đại hóa, nâng tầm đô thị, nâng cao giá trị địa tô, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” đã tạo nên phong trào hiến “đất vàng” làm đường. Một số hộ lúc đầu chưa đồng thuận hiến đất. Sau khi nhận thức đầy đủ về lợi ích chung và của chính gia đình mình, người dân đã không ngần ngại hiến hàng trăm m2 đất, có giá trị hơn chục tỷ đồng.

Theo thông tin từ UBND thành phố Hạ Long, trong hai năm 2021 và 2022, để triển khai trên 60 dự án thuộc Nghị quyết 21, hơn 2.000 hộ dân đã hiến đất, với diện tích khoảng 22.000 m2, trị giá trên 141 tỷ đồng. Cùng với hiến đất, hàng trăm hộ dân đóng góp gần 14 tỷ đồng để triển khai đầu tư làm đường, hoàn thiện hạ tầng… Hàng chục tuyến phố, tuyến đường rải thảm nhựa đã được hình thành.

Thực hiện Nghị quyết số 21, nhiều khu dân cư cũ, hình thành từ trước năm 2005 nay đã đổi thay, khoác lên mình diện mạo khang trang, hiện đại hơn. Các dự án, công trình được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết được tình trạng ngập úng. Nhiều tuyến đường chật hẹp được cải tạo trở nên thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân di chuyển, nâng cao giá trị đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Các điển hình hiến đất đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đông đảo đảng viên, nhân dân. Nhiều nơi người dân không bị ảnh hưởng đất đã sẽ đóng góp bằng kinh tế… để cải tạo hạ tầng khu dân cư.

Ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, địa phương đã lấy ý kiến của nhân dân 33 xã, phường. Chủ trương của Nghị quyết là lấy người dân làm trung tâm, là yếu tố quan trọng quyết định đầu tư, chỉnh trang đô thị. Với nhiều nguyên nhân, gần 100 hộ dân vẫn chưa đồng thuận. Với quyết tâm vì một đô thị khang trang, văn minh, hiện đại, vì sự phát triển phồn thịnh chung của nhân dân, thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục vận động nhân dân chia sẻ, chung tay để nối dài và mở rộng thêm nhiều tuyến phố, tuyến đường; cùng với chính quyền dần giải quyết các vấn đề về hạ tầng như ngập úng, chỉnh trang đô thị.

Các trường hợp đặc biệt sẽ có phương án đền bù giải phóng mặt bằng. Các trường hợp đã vận động nhiều lần nhưng không đồng thuận, không hiến đất để triển khai, thành phố sẽ tiến hành các bước theo quy trình, quy định để bồi thường. Trường hợp không thực hiện, thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất./.

Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm