An sinh

Nâng cao đời sống người dân nơi vùng “lõi nghèo" của Yên Bái

Yên Bái

Nằm trên đỉnh núi cao, bản Cu Vai (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) là điểm tái định cư của gần 50 hộ đồng bào dân tộc Mông. Tỉnh Yên Bái đang huy động nhiều nguồn lực và giải pháp tập trung đầu tư trọng điểm vào vùng “lõi nghèo" này nhằm hỗ trợ người dân nơi đây phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sống.

TTXVN - Công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2015, nhiều nguồn lực và giải pháp tập trung đầu tư trọng điểm vào vùng “lõi nghèo" nhằm hỗ trợ người dân nơi đây phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững, nâng cao chất lượng sống.

* Thay đổi tư duy sản xuất

Nằm trên đỉnh núi cao, bản Cu Vai (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) là điểm tái định cư của gần 50 hộ đồng bào dân tộc Mông. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, Cu Vai còn là nơi khởi đầu cho cuộc sống mới tươi sáng hơn của người dân nơi đây.

Bản Cu Vai, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nằm biệt lập trên đỉnh núi cao, là điểm tái định cư của gần 50 hộ đồng bào dân tộc Mông.( Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Gia đình anh Mùa A Sinh là một trong gần 50 hộ về sinh sống tại bản Cu Vai từ năm 2013. Giờ đây, gia đình anh đã dần có tích lũy, không còn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, với sự hỗ trợ của Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế và Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, vợ chồng anh đã quyết tâm bắt tay vào sản xuất nông nghiệp với việc nhân rộng giống đào bản địa có tiếng nơi vùng cao Yên Bái.

Theo kinh nghiệm địa phương, giống đào bản địa Cu Vai có hoa đẹp, rất được ưa chuộng mỗi mùa Tết đến nên có giá trị cao. Giống đào này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, chống chịu được với các hiện tượng thời tiết cực đoan như băng giá, sương muối, rét đậm rét hại. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế, ngoài giống đào bản địa, những cây lâm nghiệp và cây ăn quả khác đang được nghiên cứu để ươm tại chỗ nhằm giúp bà con chủ động về giống.

Anh Mùa A Sinh chia sẻ, trước đây, bà con ở bản hầu như không có cái gì để làm bài bản, chỉ làm nương làm ruộng, trồng ngô, sắn theo mùa. Bây giờ, họ được Nhà nước hỗ trợ, các tổ chức, dự án cho cây giống, phân bón trồng. Nhờ đó, bà con trong bản đã chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp với kỳ vọng những loại cây trồng này có thể giúp tạo thu nhập tốt và bền vững.

Với gia đình anh Giàng A Mua tại thôn Khấu Ly (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu), trước kia nhà anh chủ yếu trồng chè độc canh trên đất đốc, thu nhập rất bấp bênh. Được Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật, anh trồng mận xen vào những nương chè Shan tuyết, hướng tới lợi ích lâu dài cả về kinh tế và sinh thái.

Các cán bộ của Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế hướng dẫn gia đình anh Mùa A Sinh quy trình trồng và chăm sóc giống đào bản địa. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Anh Giàng A Mua cho biết, mô hình trồng xen mận vào nương chè giúp tăng độ che bóng mát cho cây chè, tăng sản lượng và chất lượng lá chè đồng thời giữ ổn định đất, giảm xói mòn sạt lở trong mùa mưa, đồng thời đa dạng hóa nguồn thu và tăng thu nhập thêm từ cây mận.

Chăm chỉ nghiên cứu ươm cây giống cùng việc được đào tạo về kỹ thuật chăm sóc mận, giờ đây, vườn mận nhà anh Mua đang phát triển khá tốt và ổn định. Không những thế, gia đình anh còn hỗ trợ bà con trong thôn phát triển những đồi mận xen chè để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xác định thay đổi tư duy của người nông dân từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân vùng “lõi nghèo” của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh các hoạt động hoạt động tư vấn hỗ trợ hội viên.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái Giàng A Câu cho hay, Hội đã kết nối với các đối tác trong và ngoài tỉnh, kể cả đối tác nước ngoài để tạo ra nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách để hỗ trợ cho người dân vùng “lõi nghèo”. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt là tập quán canh tác của người dân mới là quan trọng, từ tập quán lạc hậu sang kinh doanh nông nghiệp. Trước đây, sản xuất nông nghiệp đơn thuần, giờ cần tạo ra các sản phẩm gắn với lợi thế tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

* Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Thành công của công tác giảm nghèo chính là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến nhân dân, nhất là người nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mai Phương - Tổ chức nghiên cứu Nông lâm Quốc tế, nhiều người dân ở vùng cao không hiểu được trồng xen các cây thân gỗ tạo thành mô hình nông lâm kết hợp đa tầng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái, cũng như gia tăng thu nhập lâu dài. Họ thường hướng đến mục tiêu ngắn hạn trước mắt trong sản xuất nông nghiệp ngắn ngày mà quên mất giá trị lâu dài về môi trường như chống xói mòn, sạt lở đất hoặc gia tăng lớp phủ thực vật. Chính vì thế, cần thay đổi nhận thức của họ để hướng đến cái nhìn dài hạn trong việc gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài, bền vững.

Nhận thức rõ việc nâng cao chất lượng đời sống người dân nơi vùng “lõi nghèo”, công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định thành công, huyện Trạm Tấu đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền nhân dân dân với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với thực tiễn của từng thôn, bản.

Con đường tại bản Cu Vai, một trong những bản xa xôi và khó khăn nhất của huyện Trạm Tấu đang được đầu tư xây dựng. (Ảnh: Việt Dũng/TTXVN)

Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua cho biết, công tác giảm nghèo luôn được huyện đặc biệt quan tâm, trong đó tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, để người dân khơi dậy ý thức tự lực tự cường, vươn lên thoát nghèo luôn được huyện chú trọng.

Bên cạnh đó, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách an sinh xã hội đến người dân, quan tâm các giải pháp tạo việc làm cho lao động địa phương, tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giáo dục ý thức tự thoát nghèo.

Nhờ đó, năm 2022, toàn huyện đã có 424 hộ thoát nghèo, bằng 6,95%, đạt 106,9% kế hoạch năm. Huyện phấn đấu năm 2023, tỉ lệ giảm nghèo đa chiều đạt trên 8%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 49,87%, tỷ lệ hộ cận nghèo sẽ còn 6,26%...

Thời gian tới, huyện Trạm Tấu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người nghèo, hộ nghèo ngày càng có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết học hỏi cách làm ăn, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Cùng với đó, huyện tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững cũng như các chương trình khác, linh hoạt lồng ghép nguồn vốn từ trung ương tới địa phương tập trung cho công tác giảm nghèo, đầu tư các hạng mục thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn./.

Việt Dũng

Tin liên quan

Xem thêm