Xã hội

Miệt mài gieo điệu cồng chiêng nơi đại ngàn

Lâm Đồng

Là cây “đại thụ” trong diễn tấu văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân K’Tiếu đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen và giải thưởng ở địa phương. Với già, danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” được Chủ tịch nước phong tặng năm 2022 là phần thưởng cao quý nhất.

Cồng chiêng là nét đẹp văn hóa của người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, mang tính kết nối cộng đồng rất cao. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

(TTXVN) - Đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, già làng K’Tiếu (thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng) vẫn miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn làng. Sau hàng chục năm “gieo mầm”, nhiều thế hệ nghệ nhân cồng chiêng trẻ tuổi đã trưởng thành từ sự truyền dạy của già làng K’Tiếu.

* Tài năng thiên bẩm

Gắn bó với miền đất đỏ cao nguyên đã 71 mùa cà phê, già K’Tiếu vẫn nhớ như in thời điểm mình “bén duyên” với nhạc cụ bằng kim loại truyền thống của người K’Ho. Ấy là khi cậu thiếu niên K’Tiếu mới 14 tuổi, trong Lễ hội Boh Bri (lễ hội làng) đã được cha ông truyền dạy những bài cồng chiêng đầu tiên. Lễ hội của buôn làng có tiếng chiêng ngân vang suốt 30 ngày, đã giúp cậu thiếu niên ấy có khoảng thời gian lý tưởng để nghe, học đánh cồng chiêng, được cùng các nghệ nhân lão luyện đánh thuộc ba bài chiêng và được chọn là học trò xuất sắc nhất.

Với đam mê và tài năng thiên bẩm, K’Tiếu nhanh chóng thuộc tất cả bài chiêng của người K’Ho, sử dụng thành thạo hầu hết các loại chiêng 2, chiêng 3 và bộ chiêng 6. Ông trở thành nghệ nhân và tham gia biểu diễn ở các lễ hội truyền thống tại địa phương. Trong Lễ đâm trâu năm 1990, khi biểu diễn bị thiếu nhạc cụ, ông chợt nhận ra những bộ cồng chiêng và bài chiêng có nguy cơ bị mai một nên đã nghĩ đến việc mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Già làng K’Tiếu chia sẻ, ông bắt đầu truyền dạy từ những bài chiêng đơn giản nhất cho người trẻ có cùng đam mê cồng chiêng với mình. Lớp học kết thúc, các bạn trẻ đã biết đánh và diễn tấu một số bài chiêng thông dụng. Từ đó, các em không chỉ lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà còn tự tin, tham gia vào các hoạt động văn nghệ thôn xóm, địa phương. “Đó chính là thành công lớn nhất của người truyền dạy. Chỉ cần thấy các bạn trẻ hào hứng, chịu khó học hỏi đánh cồng chiêng, mọi vất vả với tôi đều tan biến”, già K’Tiếu tâm sự.

Là một trong những học viên tham gia lớp cồng chiêng của già làng K’Tiếu, anh K’Tình (thôn Duệ, xã Đinh Lạc) chia sẻ, học đánh cồng chiêng rất khó, đòi hỏi người chơi phải có niềm đam mê thật sự mới có thể đánh lên được những điệu chiêng lúc trầm, lúc bổng, lúc vui, lúc buồn. Được già K’Tiếu truyền lửa đam mê, những người trẻ như anh đã biết đánh cồng chiêng và hiểu rõ trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc K’Ho tại địa phương.

Cồng chiêng mang tính kết nối cộng đồng, đoàn kết rất cao. (Ảnh: Hồng Điệp /TTXVN)

* Trao truyền ngọn lửa đam mê

Theo đại diện UBND xã Đinh Lạc, xã đã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng do già làng K’Tiếu phụ trách, truyền dạy cho thanh thiếu niên. Xã đã có hàng chục thanh niên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học truyền dạy và sử dụng cồng chiêng, múa xoang.

Gần 60 năm gắn bó với cồng chiêng, bước chân của nghệ nhân K’Tiếu in dấu khắp các vùng đất Tây Nguyên. Khi thì ông tham gia giao lưu, liên hoan văn hóa cồng chiêng, lúc lại có mặt trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc tỉnh Tây Nguyên. 157 học viên đã hoàn thành các khóa học về cồng chiêng nhờ sự hỗ trợ của của nghệ nhân K’Tiếu. Bên cạnh việc truyền dạy, già K’Tiếu không ngừng luyện tập, giao lưu cồng chiêng với địa phương khác để học thêm cách đánh hay, các bài khấn ý nghĩa.

Theo ông Vũ Đức Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, nhờ những nghệ nhân, già làng tâm huyết như già K’Tiếu, văn hóa truyền thống của người K’Ho trên địa bàn huyện tiếp tục được củng cố, giữ gìn. Nhờ đó, Di Linh quảng bá được tiềm năng, thế mạnh, nét đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc đến bạn bè và du khách; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Là cây “đại thụ” trong diễn tấu văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân K’Tiếu đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen và giải thưởng ở địa phương. Với già, danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” được Chủ tịch nước phong tặng năm 2022 là phần thưởng cao quý nhất. Đây là niềm an ủi, khích lệ lớn lao để nghệ nhân K’Tiếu duy trì ngọn lửa đam mê, tiếp tục nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ nơi đại ngàn./.

Ngọc Dũng

Xem thêm