Chính phủ hành động

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Xây dựng cơ chế cho ngành y tế, cân bằng giữa "xây" và "chống"

Đề xuất thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhiều đại biểu cho rằng cần bảo đảm chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nhân viên y tế; xây dựng nền y tế có cơ chế và bảo vệ người làm việc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

TTXVN -Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

* Bảo đảm chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nhân viên y tế

Hiện chế độ lương cho nhân viên y tế cơ sở được áp dụng từ năm 2004, chế độ phụ cấp đã áp dụng hơn 10 năm, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đề nghị đưa các nội dung ban hành quy định lương và phụ cấp vào nội dung cần thực hiện ngay về chính sách đối với cán bộ tuyến y tế cơ sở.

Đến nay, Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, đã hết hiệu lực. Do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề tự chủ và cơ chế tài chính cho lĩnh vực y tế; trong đó, chú trọng phân loại từng mức độ tự chủ một phần chi thường xuyên và cơ chế khuyến khích các đơn vị thực hiện tự chủ với trạm y tế.

Mấu chốt vấn đề nhằm giải quyết triệt để bài toán y tế cơ sở là cần một cơ chế tài chính theo vốn ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí nhằm đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên cho các đơn vị y tế cơ sở. Chênh lệch giữa thu dịch vụ và chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ cho đơn vị được phép giữ lại để sử dụng theo quy định nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng một đề án riêng cho trạm y tế xã với mục tiêu đến năm 2030, các trạm y tế xã có đủ cơ sở vật chất, nhân lực theo tiêu chí của từng địa bàn, khu vực, theo bán kính phục vụ, đảm bảo tính căn cơ và lâu dài.

Kiến nghị cần xác lập một hệ thống y tế quốc gia trên cơ sở hệ thống y tế công lập và hệ thống y tế tư nhân, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: “Trong công tác phòng, chống dịch, chúng ta nhận thấy sự chống đỡ đơn phương của y tế công lập và sự lúng túng của y tế tư nhân. Trong khi đó, nếu kết hợp 2 hệ thống này sẽ tạo thành sức mạnh, đủ sức phòng ngự tất cả các dịch bệnh”.

Đề xuất thành lập hệ thống y tế quốc gia với 3 vấn đề, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần đan xen và kết hợp các cấp khám và điều trị: Khám, chữa bệnh ban đầu phải lấy y tế cơ sở, trạm y tế làm trụ cột cộng với y tế gia đình, các phương thuốc gia truyền và lương y ở các khu vực. Không nên đặt máy móc, trạm y tế ở các xã mà có thể đặt ở cụm xã, liên xã để tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho trạm y tế.

Ngoài ra, tiêu chuẩn hóa các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và công lập dần dần có sự tương thích để người dân có thể lựa chọn; không có sự phân biệt giữa y tế tư nhân và y tế công lập.

Về cơ chế tài chính cho các cấp khám, chữa bệnh, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, sau cấp khám chữa bệnh ban đầu là hệ thống bệnh viện đa khoa chữa các bệnh cơ bản và cấp thứ ba là bệnh viện chuyên ngành.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị cần có cơ chế tài chính để chi trả cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên tinh thần tự chủ và đặc biệt, sự hợp tác giữa y tế công lập và y tế tư nhân; đồng thời cần sự điều hành thống nhất hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh phát biểu (Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN)

Đánh giá hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, cần nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục; đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát trình Quốc hội ban hành các dự án luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, đảm bảo tương xứng với công sức và đặc thù công việc…

* Xây dựng nền y tế có cơ chế và bảo vệ người làm việc

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh), dịch COVID-19 vừa qua là phép thử cho thấy hiện trạng và thực lực của ngành Y tế. Thực tế cho thấy, việc huy động và quản lý nguồn lực cho phòng, chống dịch rất khó khăn. “Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời điểm tâm dịch, chúng tôi phải có lời khuyên cho những cơ sở, doanh nghiệp muốn đóng góp là đề nghị đóng góp bằng hiện vật, đừng đóng góp bằng tiền, vì có thể có những vấn đề phát sinh sau đó. Tất cả những dự đoán đó đã thành sự thật”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu ví dụ.

“Chúng ta chưa phân biệt được dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện và dịch bệnh thông thường. Do vậy, vấn đề là phải làm sao để các nguồn lực được sử dụng một cách chính thức. Vậy vướng ở đâu? Chính là quy chế đấu thầu”đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, trong Luật Đấu thầu đang được thảo luận cũng “chưa thấy cách nào để tháo gỡ, nếu dịch bệnh xảy ra, chúng ta vẫn bị rối”. Nhiều điểm nghẽn trong sử dụng các nguồn lực, thậm chí trong các chính sách trong thời điểm dịch bệnh, khi nhìn lại thấy “rất vô lý”. “Chẳng hạn, khi thiếu vaccine lại không cho phép tiêm dịch vụ để giảm bớt gánh nặng cho y tế công lập. Hay khi cả cộng đồng đang sục sôi thiếu thuốc điều trị COVID-19, Bộ Y tế lại chậm trễ cấp số đăng ký thuốc dù thuốc có hiệu quả ở nước ngoài, dẫn đến tình trạng mua bán ngoài vòng pháp luật, trên mạng, thổi giá…”.

Nhấn mạnh cân bằng giữa “xây và chống”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đồng ý, khi có tiêu cực thì phải chống, nhưng bày tỏ băn khoăn về mức độ quan tâm đến việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành Y tế có thể mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. “Vấn đề là phải làm sao để trong tương lai, nếu đại dịch quay trở lại, chúng ta ứng phó tốt hơn, bảo vệ được người dân. Nếu cứ e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như thế này, không biết điều gì xảy ra nếu dịch quay trở lại, không chỉ COVID-19 mà cả các dịch bệnh khác”, đại biểu chia sẻ; đồng thời kiến nghị cần những quyết sách phải xuất phát từ thực tế, xây dựng nền y tế có cơ chế và bảo vệ người làm việc.

Tương tự, bày tỏ lo ngại về căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang lây lan từ ngành y sang các ngành khác, đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) cho rằng, đại dịch COVID-19 đã để lại nhiều điều để bàn, suy nghĩ và quan trọng hơn là thay đổi. Ngay từ đầu, chúng ta xác định, “chống dịch như chống giặc”, khẩn trương huy động mọi nguồn lực bằng mọi biện pháp, chấp nhận hy sinh để chiến thắng. Trong phòng, chống dịch, đan xen bao nhiêu việc phải làm, tình huống cần phải quyết định, mà không có tiền lệ hợp lý và hợp pháp, có việc mâu thuẫn nhau nên sau đó, đã làm cho tâm trạng xã hội rất nặng nề.

Đại biểu cho rằng, cử tri rất quan tâm về những việc không hợp lý, không hợp pháp như “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á, đang được xử lý như thế nào? Bên cạnh đó, sau khi chống dịch thành công, tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy, có nhiều điều hợp lý trong thời điểm chống dịch, nhưng không hợp pháp trong thời điểm hiện nay, vậy việc ứng xử vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trần Văn Sáu lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định, đang lây lan từ ngành y sang những ngành khác. “Đây là vấn đề rất cần được quan tâm và phải xem xét nhiều chiều”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để người có thẩm quyền đánh giá hành vi người khác, cần áp dụng luật để phán xét, thực sự hợp tình, hợp lý./.

Diệp Trương

Tin liên quan

Xem thêm