Quốc hội với Cử tri

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu hoàn thiện quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh không có quy định nào về sơn chống cháy. Đa số nhà xưởng sản xuất đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Chiều 31/5, cuối phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và việc thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai dự án nhà ở cho công nhân.

Nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện quy chuẩn

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có 9 quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy; 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy được biên soạn và ban hành bởi các Bộ: Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) để phòng cháy, chữa cháy cho công trình và bộ phận công trình.

Theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước về thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo và bồi dưỡng lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

Về quá trình sửa đổi, ban hành QCVN 06:2022/BXD, Bộ trưởng cho biết, năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn này là quy chuẩn đầu tiên về an toàn cháy cho nhà và công trình. Sau khi ban hành lần đầu năm 2010, đến lần sửa đổi năm 2022, Quy chuẩn này có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Các phiên bản quy chuẩn có nội dung sửa đổi không lớn, nội dung sửa đổi chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp, lựa chọn cho các đối tượng công trình, các yêu cầu an toàn cháy của quy chuẩn được quy định rõ cho từng nhóm theo quy mô, tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng.

Về chuyển tiếp quy chuẩn, các phiên bản đều có các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật, trên cơ sở nguyên tắc không hồi tố. Công trình đã áp dụng quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế được góp ý hoặc thẩm duyệt thì được sử dụng quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Về mức độ quy định của quy chuẩn trong tương quan với một số quốc gia khác, Bộ trưởng cho hay, khi so sánh quy định cơ bản của quy chuẩn với các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn khác thì nhìn chung các quy định an toàn cốt lõi của quy chuẩn quy định không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp đối với nhóm nhà xưởng công nghiệp, nhóm nhà dân dụng quy mô trung bình trở lên và nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ.

Giải đáp một số nội dung cụ thể trong QCVN 06:2022/BXD được các đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về sơn chống cháy, quy chuẩn không có quy định nào về sơn chống cháy.

Đối với kết cấu thép nhà xưởng, quy chuẩn cho phép sử dụng nhiều giải pháp để cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền có thể thẩm duyệt, nghiệm thu mà không cần thử nghiệm, đánh giá phức tạp. Sơn chống cháy không phải là vật liệu có thể chuẩn hóa nên không thể đưa vào quy chuẩn như một lựa chọn sẵn. Do đó, trong quy chuẩn không có nội dung quy định về sơn chống cháy. Ngoài ra, quy chuẩn cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao, với diện tích lên đến 25.000m2, không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Các công trình nguy cơ cháy nổ vừa phải, thấp, với diện tích không hạn chế cũng không cần bọc bảo vệ kết cấu thép.

“Như vậy, theo quy chuẩn thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép”, Bộ trưởng nêu rõ.

Về cấp nước chữa cháy, Bộ trưởng cho biết, quy chuẩn cho phép sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để cấp nước chữa cháy ngoài nhà, khi sử dụng đúng giải pháp phù hợp thì có thể không cần xây bể riêng cho nhà hoặc chỉ cần xây dựng bể có thể tích vừa phải, có kết hợp với bơm bổ sung hoặc kết hợp với nước sản xuất. Do đó, cần thực hiện đúng quy chuẩn, không bắt buộc yêu cầu các công trình xây dựng bể riêng khi có các giải pháp khả thi khác và được tư vấn thiết kế, tính toán, thuyết minh phù hợp.

Ngoài ra, Quy chuẩn đã linh hoạt cho phép cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại các địa phương.

Liên quan đến các phản ánh về các công trình hiện hữu, theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang tích cực phối hợp để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất có thể về an toàn cháy cho công trình dựa trên các giải pháp được thống nhất. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể. Bộ Xây dựng đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc này, đã gửi xin ý kiến các cơ quan, địa phương vào ngày 26/5/2023.

Bộ trưởng cho hay, không áp dụng quy chuẩn an toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chuẩn, cũng không thuộc đối tượng thẩm duyệt. Vướng mắc xảy ra khi công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các mục đích sử dụng khác không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng như giao thông, điện nước, cũng như việc tổ chức không gian kiến trúc kết cấu cho nhà ở riêng lẻ nay phải cải tạo để đáp ứng quy chuẩn là rất khó.

Các nội dung ý kiến phản ánh khác liên quan đến Quy chuẩn, Bộ trưởng cho biết, đã được Bộ Xây dựng tổng hợp, có ý kiến tiếp thu, giải trình, hướng dẫn cụ thể và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình là một quy chuẩn kỹ thuật khó, với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đồng thời phải nghiên cứu khảo nghiệm, thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu. Bộ Xây dựng trân trọng lắng nghe, cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện quy chuẩn”.

Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội

Báo cáo giải trình về triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số nội dung cụ thể.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi lãi suất. Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Bộ Xây dựng cũng có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và tổ chức Hội nghị triển khai Đề án này.

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn.

“Thực tế cho thấy, chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỷ cho cả giai đoạn đến năm 2030 và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu”, Bộ trưởng chia sẻ đồng thời thông tin, trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ đồng như nhu cầu công bố của các địa phương.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật.

Bộ trưởng khẳng định, quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan sẽ cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề cập./.

Việt Đức

Tin liên quan

Xem thêm