Văn hóa

Kiên Giang tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi phát triển du lịch

Kiên Giang

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: Năm 2023, tỉnh tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh du lịch phát triển.

Một góc khu đô thị lấn biển thành phố Rạch Giá. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

(TTXVN) Theo Sở Du lịch Kiên Giang, tỉnh phấn đấu năm 2023 đón 8,3 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 9,7% so với thực hiện năm 2022, trong đó khách du lịch quốc tế là hơn 350.000 lượt; tổng doanh thu du lịch trên 13.000 tỷ đồng, tăng 22,8% so với năm 2022.

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết: Năm 2023, tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý du lịch gắn với phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh du lịch phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch…

Kiên Giang tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành dự án Website tích hợp với video quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch địa phương và tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm đến các khu, điểm du lịch. Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, thông tin truyền thông về các điểm đến du lịch của tỉnh.

Mặt khác, tỉnh phối hợp, liên kết mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế, kết nối du lịch với Phú Quốc, phát triển các tour du lịch mới kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế; tổ chức đón, tiếp các đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến Kiên Giang khảo sát, trải nghiệm về du lịch; tổ chức sự kiện Kết nối Bầu trời Việt Nam - Malaysia năm 2023 và tham gia các hoạt động, sự kiện du lịch trong, ngoài tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ du lịch và đảm bảo an toàn cho du khách, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, xử lý tốt ô nhiễm từ rác thải và nước thải, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp, an toàn, thân thiện…

Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Kiên Giang là hơn 7,5 triệu lượt du khách, tăng 142% so với năm 2021, vượt 35,1% kế hoạch năm, trong đó du khách quốc tế 223.135 lượt; tổng doanh thu du lịch trên 10.585 tỷ đồng, vượt 36,7% kế hoạch năm.

Tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang và kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đến Phú Quốc sử dụng “Hộ chiếu vaccine”; duy trì và phát huy các mối quan hệ với các tỉnh, thành phố có thỏa thuận ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” phát triển du lịch gắn với phòng, chống dịch COVID-19. Ngành Du lịch tiếp đón các đoàn ngoại giao, Famtrip trong và ngoài nước đến Phú Quốc, qua đó xúc tiến, quảng bá du lịch Kiên Giang nhằm giới thiệu tài nguyên, sản phẩm du lịch đến du khách.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch chia sẻ: Kiên Giang còn không ít khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển “ngành công nghiệp không khói” này. Nguồn nhân lực tại các cơ sở kinh doanh du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào dịp các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, lễ, Tết và mùa du lịch cao điểm. Tiến độ thi công và giải ngân của các hạng mục dự án du lịch chưa đạt yêu cầu, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, còn nhiều tài nguyên du lịch chưa được kêu gọi đầu tư phát triển để trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Việc kết nối tour, tuyến du lịch đến một số khu, điểm du lịch trong tỉnh còn khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, không kể Phú Quốc, doanh nghiệp du lịch trong tỉnh quy mô nhỏ, khả năng đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch hạn chế… Trình độ phát triển của các vùng du lịch trên địa bàn tỉnh không đồng đều, phần lớn tập trung ở đảo Ngọc Phú Quốc. Các vùng du lịch xa trung tâm thành phố, giao thông đi lại khó khăn, Nhiều tuyến đường trọng yếu xuống cấp, hư hỏng, nhỏ hẹp. Do vậy, việc kết nối tour, tuyến du lịch đến các địa phương không thuận lợi, hạn chế thu hút du khách. Nguồn lực phát triển du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững đối với ngành du lịch trong tình hình mới.../.

Lê Huy Hải

Xem thêm