Khoa học

Hoàn thiện hành lang pháp lý, biến tri thức, tài sản trí tuệ thành của cải vật chất, phát triển xã hội

Thừa Thiên Huế

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Hội nghị Sở hữu trí tuệ hằng năm đã trở thành diễn đàn quan trọng của ngành. 

Các đại biểu thăm quan gian hàng sản phẩm chủ lực của các địa phương. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

TTXVN - Ngày 9/3, tại thành phố Huế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023. Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 350 đại biểu đại diện cho 58 Sở Khoa học và Công nghệ trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Hội nghị Sở hữu trí tuệ hằng năm đã trở thành diễn đàn quan trọng của ngành nhằm đánh giá lại hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại trung ương; đồng thời là nơi để trao đổi về hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, ở các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang đặt ra nhiều yêu cầu trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các địa phương cần có những đề xuất, tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cần có biện pháp để khai thác các chính sách phát triển tài sản trí tuệ, biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển xã hội; tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động sở hữu trí tuệ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên đề liên quan đến sở hữu trí tuệ như hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại trung ương và địa phương; Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022; đổi mới sáng tạo trong phát triển tài sản trí tuệ… Các đại biểu thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến về bảo hộ tài sản trí tuệ, nâng cao hiệu quả tài sản trí tuệ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ tại các địa phương...

Theo ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; cần đổi mới cách tiếp cận, xem sở hữu trí tuệ như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ; tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng.

Báo cáo về hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng cho biết, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương. Sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và quốc gia. Công tác xây dựng pháp luật được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đáp ứng tiến độ đề ra, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022; việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển phát triển tài sản trí tuệ giúp nâng cao vai trò, vị thế của khoa học công nghệ ở các Bộ, ngành và địa phương. Công tác đào tạo, tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật sở hữu trí tuệ, công tác hội nhập và hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước của ngành khoa học công nghệ.

Theo thống kê, năm 2022 lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng cao so với năm 2021; trong đó, đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 3,3%; lượng văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 8,3%; giải quyết đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%. Hoạt động xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính đã được các địa phương chú trọng thực hiện, điều này thể hiện ở việc tăng mạnh cả số vụ xử lý và số tiền phạt. Năm 2022 cả nước có 1.430 vụ xâm phạm quyền về nhãn hiệu đã được xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 18 tỷ đồng, tăng gần 30% về số vụ và 35% tổng số tiền phạt so với năm 2021./.

Tường Vi

Xem thêm