Chỉ đạo, Điều hành

Hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Đắk Lắk

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê đề nghị chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk có phương thức giao khoán phù hợp, tạo điều kiện cho 87 hộ dân ổn định cuộc sống.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: Anh Dũng/TXVN)

TTXVN - Ngày 5/5, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đối thoại giữa Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk với 87 hộ dân là người đồng bào dân tộc tại chỗ tại Buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar. Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại.

Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk (tiền thân là Nông trường cà phê Ea Pốk) chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào tháng 11/2018. Sau khi được cổ phần hóa, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho Công ty thuê gần 700 ha đất để sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk cho biết, vùng 87 có diện tích 74,91ha đang trồng cà phê, ký hợp đồng giao khoán với 82 hộ nhận khoán đang sinh sống tại buôn Ea Mấp. Từ năm 2006 trở về trước, Công ty tổ chức giao khoán cho người dân tại vùng 87 theo hình thức khoán có đầu tư, người nhận khoán bỏ công trồng, chăm sóc và ăn chia theo tỷ lệ công ty 60%, hộ nhận khoán 40%.

Từ năm 2006 đến 2021, Công ty ký hợp đồng giao khoán theo hình thức khoán gọn (người dân tự đầu tư và nộp sản theo tỷ lệ cho Công ty 70 - 30). Tuy nhiên, theo Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk, từ đầu năm 2022 đến nay, có 74 hộ nhận khoán bỏ mặc vườn cây, không chăm sóc. Ngày 24/4/2023, một số người dân buôn Ea Mấp đã cầm cưa, dao... đến vùng 87 để chặt, rong toàn bộ cành cây cà phê, gây tổn hại nghiêm trọng đến tài sản của Công ty.

Các ý kiến, kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại chủ yếu xoay quanh một số nội dung như: Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 82ha đất đang giao cho Công ty chia cho người dân để tự sản xuất và làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước; phương án giao khoán của Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk thực hiện trong thời gian vừa qua là quá cao trong khi vườn cây ngày càng già cỗi, chi phí sản xuất tăng cao khiến người dân làm không đảm bảo thu nhập; cần chuyển đổi phương án, mô hình sản xuất chưa hợp với khả năng canh tác của người dân; các chế độ, phúc lợi cho công nhân Công ty chưa được đảm bảo...

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị, đại diện Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính) đã trả lời cụ thể đối với từng ý kiến, phân tích rõ quy định pháp luật liên quan đến đất đai để người dân hiểu, chấp hành.

Tại buổi đối thoại, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê khẳng định, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của người dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê đề nghị chính quyền địa phương, Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk căn cứ vào tình hình thực tiễn, có phương thức giao khoán phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho cả hai bên, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, tránh xảy ra những xung đột không đáng có. Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, phải xử lý nghiêm nhưng cũng cần thấu tình đạt lý. Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk mong muốn người dân tuân thủ quy định của pháp luật, đoàn kết, cùng hợp tác phát triển, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Kết luận buổi đối thoại, thay mặt UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định sẽ tiếp thu, xem xét từng nội dung mà người dân đã kiến nghị trên tinh thần cầu thị. UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với UBND huyện Cư M’gar và các đơn vị có liên quan cùng với Công ty rà soát lại các hợp đồng khoán và phương án kinh doanh, liên quan đến mối quan hệ lao động giữa Công ty và người dân.

UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Cư M’gar tiếp tục rà soát lại diện tích đất mà Công ty đã bàn giao về cho địa phương quản lý, bố trí, sử dụng (khoảng gần 1.900 ha) để công khai cho người dân biết. Hai nội dung này phải hoàn thành trong tháng 5/2023 để UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì cùng Công ty và người dân xây dựng lại phương án khoán phù hợp.

Với nội dung đề nghị về việc trả diện tích đất hơn 82,61 héc ta tại Buôn Ea Mấp mà các hộ đang nhận khoán với Công ty về địa phương quản lý để cấp cho người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định nội dung này không có cơ sở để thực hiện vì quản lý đất đai phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Diện tích đất này thuộc sở hữu của Nhà nước, phía Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk thuê đất và nộp tiền thuê đất cho Nhà nước hằng năm theo quy định.

Đối với những ý kiến, kiến nghị về chế độ, chính sách an sinh xã hội của Công ty đối với công nhân nhận khoán vườn cây chưa đảm bảo, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk phải cầu thị, lắng nghe; phối hợp với các sở, ngành, địa phương xem xét giải quyết cho phù hợp nhằm ổn định đời sống nhân dân, vì đây là nguyện vọng hết sức chính đáng.

Liên quan đến việc tranh chấp quyền lợi giữa các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Buôn Lang và Buôn Ea Mấp) với Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk, trong ngày 3-4/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Čư M’gar, đã khởi tố các vụ án, khởi tố 19 bị can về hành vi hủy hoại tài sản.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giải quyết các vụ việc liên quan đến tranh chấp quyền lợi giữa người dân và Công ty Cổ phần Cà phê Ea Pốk theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Tỉnh đề nghị người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khiếu nại, khiếu kiện; không tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự tại địa phương./.

Anh Dũng

Tin liên quan

Xem thêm