Quốc hội với Cử tri

Giải quyết hiệu quả, đột phá vấn đề việc làm, tiền lương cho người lao động

Trong phiên thảo luận chiều 31/5, vấn đề cải cách tiền lương, việc làm cho người lao động, thu hút sự quan tâm, phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp chiều 31/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

TTXVN - Chiều 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong phiên thảo luận, vấn đề cải cách tiền lương, việc làm cho người lao động, thu hút sự quan tâm, phát biểu của nhiều đại biểu Quốc hội.

Cần có sự thay đổi căn bản về cải cách tiền lương

Phát biểu về chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, tháng 10 tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

“Chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển, ngược lại một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản cho bước tiến của xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đời sống người dân. Đến nay, Nhà nước đã có 4 lần cải cách tiền lương; tuy nhiên, đến nay có một thực tế không thể không nhìn thấy, đó là mức lương của cán bộ, công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

Đại biểu nhận xét có một khoảng cách không nhỏ trong thu nhập của người lao động Việt Nam với các nước. “Một sinh viên mới ra trường, mức thu nhập là hơn 3,4 triệu đồng. Mức lương trung bình của một công chức trên dưới 10 triệu đồng, trong khi đó nếu như quy đổi ra tiền Việt Nam, một công chức ở Thái Lan có thu nhập 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho hay.

Nhấn mạnh Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể, tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý “chúng ta đã 3 lần lỡ hẹn”. Trong ba năm liên tiếp, Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, nguyên nhân là Nhà nước cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế.

Đó là chủ trương đúng đắn, nhưng qua hơn hai năm thực hiện, dù Chính phủ đã quyết liệt đôn đốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng quyết liệt nhưng vẫn còn hơn 14.000 tỷ đồng vốn chương trình phục hồi kinh tế chưa thể phân bổ, hơn 429.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa được giao.

“Như vậy, trong lúc chúng ta “thắt lương buộc bụng” thì một phần nguồn lực vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Đó là điều vô cùng đáng tiếc”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh. Điều cử tri quan tâm là tới đây, nếu thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu? Rất cần sự thay đổi căn bản mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức.

“Trong bối cảnh hội nhập, rào cản quốc gia không còn là vấn đề, cuộc cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt. Đặc biệt, các quốc gia đang đối mặt già hóa dân số, thu hút lao động nhập cư là chìa khóa tăng trưởng kinh tế. Nếu không có một chính sách hợp lý thì chúng ta có thể hoàn toàn thua ngay trên sân nhà trong thu hút nhân lực chất lượng cao”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cảnh báo.

Do đó, đại biểu kiến nghị, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 27-NQ/TW; theo đó, hàng năm dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương; cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu, ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét các dự án đầu tư.

“Cần thực sự coi trả lương là hình thức đầu tư cho con người, cho tương lai. Chỉ khi có mức đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến, nhưng thực sự cần chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu.

Có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động

Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long), báo cáo của Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường; không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động giảm, mất việc, thất nghiệp đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp.

Trong khi đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Thực trạng đó cho thấy, giai đoạn này, doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí,…

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Cho biết cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị, Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm; theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội./.

Việt Đức

Tin liên quan

Xem thêm