Chỉ đạo, Điều hành

Giải ngân vốn đầu tư công tại Nam Định vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Nam Định

Nam Định đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp dưới 300 ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị báo cáo về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công trên địa bàn với Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

TTXVN Chiều 10/5, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định đã làm việc với đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn. Nội dung cuộc làm việc tập trung vào tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn gặp khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu san lấp, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế... Từ thực tế này, Nam Định đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp dưới 300 ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Công thương phân cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong việc cấp thủ tục xuất xứ hàng hóa để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trung ương nghiên cứu, xem xét sớm cho phép sử dụng cát biển phục vụ san lấp các công trình giao thông; kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2024, do các dự án thuộc chương trình này phải triển khai nhiều thủ tục theo quy định, mất nhiều thời gian. Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, tăng chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 13,8%. Giá trị hàng xuất khẩu đạt trên 750 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2022... Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh Nam Định trên 8.567 tỷ đồng. Số vốn giải ngân đến hết tháng 4/2023 đạt hơn 1.851 tỷ đồng bằng 21,6% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là 97,6 tỷ đồng, đạt 4% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương giải ngân gần 1.754 tỷ đồng, đạt 28,5% kế hoạch...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị, Nam Định cần khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; đặc biệt cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đón nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao. Địa phương phối hợp với Bộ Công thương, các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Dệt may; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để phát huy hiệu quả nguồn vốn; sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực...

Trước đó, Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ đã kiểm tra thực tế tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình đoạn qua tỉnh Nam Định./.

Vũ Văn Đạt

Tin liên quan

Xem thêm