Thực thi chính sách

Đưa Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng của vùng trung du miền núi phía Bắc

Thái Nguyên

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

TTXVN - Chiều 20/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải biểu dương, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện chương trình chuyển đổi số...

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thủ tục đầu tư... Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung cải thiện chỉ số CPI, tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế, thực hiện tốt quy hoạch của tỉnh, gắn kết với các vùng, đưa Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng, trung tâm phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc...

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Nổi bật là việc từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đều cao hơn bình quân chung cả nước. Năm 2022 đạt 8,59%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước (8,02%); tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt trên 19.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Quý I/2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tốc độ tăng trưởng của tỉnh vẫn đạt 6,53%, cao hơn bình quân chung cả nước (3,32%).

Hoạt động thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 180 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,5 tỷ USD. Công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính được quan tâm đẩy mạnh, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số; các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm 1,79% so với năm 2021 (từ 6,14% xuống còn 4,35%)...

Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đến năm 2050, Thái Nguyên trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh luôn chủ động bám sát tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ động vào cuộc từ sớm, làm rõ những bất cập, vướng mắc, khó khăn qua thực tiễn thi hành để góp ý vào các dự án luật, đa dạng hóa các hình thức tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật.

Đại biểu Quốc hội tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, đã tham gia đầy đủ, tích cực phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trên trong công tác lập pháp, giám sát tối cao, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đến thăm gia đình thương binh Nguyễn Văn Thảo và Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cộng, cùng trú tại thành phố Thái Nguyên./.

Trần Trang

Xem thêm