Chính phủ hành động

Đơn giản hóa thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoàn tất kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu của trên 71 triệu nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kiểm tra thông tin bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đăng ký khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, Điện Biên. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

TTXVN - Đơn giản hóa quy định và cắt giảm chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp là mục tiêu của Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và cũng là mục tiêu dự án LinkSME (Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa) của USAID tài trợ cho Việt Nam.

Thực hiện chương trình này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện, tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục đăng ký tham gia, cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; đóng, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trực tuyến; giải quyết hưởng và chi trả các chế độ cho người lao động. Cơ quan này đã ứng dụng hiệu quả công nghệ số, sửa đổi quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính trên cơ sở kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành liên quan nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang quản lý cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình; kết nối trực tuyến với 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ hàng năm, do đó, việc kết nối, đồng bộ, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức được vấn đề này, ngay khi khởi động Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Toàn ngành đã hoàn tất kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu của trên 71 triệu nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong tổng số 85,4 triệu người tham gia). Đây vừa là một cơ sở, tiền đề rất quan trọng để chuẩn hóa dữ liệu hai ngành phục vụ cho quản lý, vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông các thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ công dân.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết nối, chia sẻ “Nhóm thông tin về người sử dụng lao động”; kết nối, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 100% doanh nghiệp khi thành lập đều được liên thông qua hệ thống này, giúp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thông tin chính xác cho việc đăng ký mới thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Các phương thức tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện đa dạng, linh hoạt. Đến nay, toàn bộ 25 dịch vụ công trực tuyến của ngành được thực hiện ở mức độ 4, đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan Bảo hiểm Xã hội 24/7. Cơ quan này duy trì hiệu quả việc triển khai qua dịch vụ bưu chính công ích tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó các tổ chức, doanh nghiệp không phải trả phí.

Cùng với đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tập trung các nguồn lực, điều kiện cần thiết để triển khai việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành phối hợp với USAID thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ gắn với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số theo Đề án 06.

Đáng chú ý, theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, năm 2022, ngành đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, ban hành dịch vụ công trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử. Trước đây, người dân phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để nộp tờ khai kèm sổ bảo hiểm xã hội, nay chỉ cần lập tờ khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó hệ thống tự động chuyển Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác thực và cấp bản điện tử xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp để Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ra quyết định và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả tự động.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng hoàn thành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ triển khai hai nhóm dịch vụ công liên thông là Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, từ ngày 21/11/2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai làm điểm tại hai địa phương là Hà Nội và Hà Nam. Việc triển khai nhóm dịch vụ công này không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, người lao động khi chỉ cần thực hiện một lần nhưng có thể giải quyết được ba thủ tục hành chính kèm theo, mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, nhất là đối với ngành Bảo hiểm Xã hội.

Thông qua các nhóm dịch vụ công liên thông này, đến hết tháng 12/2022, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho gần 50 nghìn trường hợp; có hơn 50 nghìn lượt giao dịch gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thành công.

Với việc hai bên ký bản ghi nhớ hợp tác về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế vào cuối năm 2020, USAID đã góp phần hỗ trợ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng một hệ thống bảo hiểm y tế hiện đại, bền vững, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân; hướng tới mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95% dân số, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 80% theo mục tiêu nhiệm vụ Chính phủ giao.

Thống kê trên Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, năm 2022, toàn ngành đã giải quyết gần 8,16 triệu hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, trong đó, giải quyết đúng hạn là hơn 7 triệu hồ sơ, chiếm 87%. Tính từ ngày 1/1 -12/2, cơ quan này đã trao đổi trên 79 nghìn văn bản qua mạng. /.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm