Thực thi chính sách

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Sóc Trăng

Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng đã tạo được sự đồng thuận cao, huy động được sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

TTXVN - Ngày 23/5, Đoàn công tác do Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy Sóc Trăng về công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 8, Khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng và phát triển Đảng trong các cơ sở giáo dục và đào tạo, chủ trương đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông được Tỉnh ủy và các cấp, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả.

Tỉnh Sóc Trăng đã tạo được sự đồng thuận cao, huy động được sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng, chất lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhờ vậy, toàn tỉnh có 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn, trên 81% giáo viên đạt chuẩn. Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng có 372/463 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt trên 80%.

Lãnh đạo ngành Giáo dục, các cấp, ngành tỉnh Sóc Trăng nêu một số tồn tại như: Cơ sở vật chất các trường được đầu tư chưa đồng bộ, nhất là cấp Mầm non, Tiểu học. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, công tác xã hội hóa, chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục tuy có bước phát triển nhưng chưa bền vững, không đồng đều giữa các trường và địa phương. Chất lượng giảng dạy của một số ít giáo viên chưa cao, chậm đổi mới phương pháp dạy và học. Việc huy động học sinh ra lớp và công tác duy trì sĩ số học sinh gặp không ít khó khăn…

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai ghi nhận những ý kiến của tỉnh để kiến nghị đến Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Đoàn công tác đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Sóc Trăng đã đạt được. Tỉnh ủy đã nghiêm túc, bài bản trong việc triển khai, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, trong việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học khuyến tài, phân luồng, đào tạo học sinh…

Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định, những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc sẽ giúp ngành Giáo dục tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần giải quyết hiệu quả những mặt hạn chế trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh là phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.../.

Trung Hiếu

Xem thêm