Thực thi chính sách

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Trung du miền núi Bắc Bộ

Thái Nguyên

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công trong việc đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, đây là một trong những yếu tố quyết định tốc độ, chất lượng tăng trưởng GDP cả nước; hy vọng các địa phương sẽ đạt được mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 15/4, tại tỉnh Thái Nguyên, Tổ công tác số 3 của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Thái Nguyên để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao cho 9 địa phương là gần 48.954 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 32.065 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương hơn 16.889 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2023, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân của 9 địa phương hơn 3.539 tỷ đồng, đạt 7,23% so với kế hoạch, thấp hơn bình quân chung của cả nước (hiện đang là 10,35%). Trong đó, 8/9 địa phương có mức giải ngân trên 5%. Tỉnh Sơn La có mức giải ngân thấp chỉ đạt 3,37%. 8/9 địa phương đều cam kết phấn đấu giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch. Riêng tỉnh Cao Bằng cam kết giải ngân đạt trên 95%.

Tại buổi làm việc, các địa phương nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công như: Vấn đề khai thác đất sử dụng cho các dự án đầu tư công; công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng đường giao thông không tránh khỏi việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn dự án…

Ngoài ra, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có sự biến động khó lường ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng; các dự án vốn nước ngoài thực hiện giải ngân chậm do có nhiều hợp phần, công tác tổng hợp chứng từ hồ sơ thanh toán để rút vốn nước ngoài mất nhiều thời gian… Cũng có nguyên nhân chủ quan do chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn các dự án trong phạm vi của mình.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công trong việc đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, đây là một trong những yếu tố quyết định tốc độ, chất lượng tăng trưởng GDP cả nước; đồng thời, hy vọng các địa phương sẽ đạt được mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; trong đó cần thống nhất nguyên tắc thứ tự ưu tiên, sắp xếp từng việc cho phù hợp với điều kiện ở mỗi địa phương. Ngoài ra, các tỉnh cần thực hiện việc phân cấp cho cơ sở theo thẩm quyền của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương theo lĩnh vực liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương sẽ tiếp tục rà soát các quy pháp luật liên quan đến những thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, đồng thời, rà soát các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng, đất đai, tài nguyên, hải quan, y tế… để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án./.

Thu Hằng

Tin liên quan

Xem thêm