Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội công bố thành lập 2 trường trực thuộc

Trường Vật liệu, Trường Hóa và Khoa học sự sống là 2 trường tiếp theo được thành lập mới, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội chúc mừng Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng Trường Vật liệu. (Ảnh: nguồn HUST)

TTXVN - Sáng 7/6, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ công bố các nghị quyết thành lập và quyết định bổ nhiệm chức vụ quản lý của Trường Vật liệu, Trường Hóa và Khoa học sự sống. Đây là 2 trường tiếp theo được Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận Hội đồng đại học, Chủ tịch Hội đồng đại học và Giám đốc đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Như vậy, cùng với 3 Trường: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 5 trường, được thành lập theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong thời gian tới, cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành của Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục được tối ưu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp mạnh các mặt hoạt động cho các đơn vị chuyên môn; quản trị, điều hành tập trung theo chiến lược và các quy chế, quy định chung do Đại học Bách khoa Hà Nội ban hành, người học được cấp bằng duy nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trường Vật liệu – Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập các đơn vị: Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu; Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang; Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit và Bộ môn Công nghệ In. Giáo sư Huỳnh Trung Hải – Trường phòng Quản lý nghiên cứu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Vật liệu.

Trường Vật liệu đào tạo các chuyên ngành đại học và sau đại học liên quan đến vật liệu truyền thống, loại vật liệu mới, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của tất cả các lĩnh vực công nghiệp, cụ thể như kỹ thuật, công nghệ chế tạo vật liệu, vật liệu tiên tiến và cấu trúc nano từ nguyên liệu nguồn đến quá trình nấu luyện, gia công tạo hình, hợp kim màu và xử lý bề mặt; khoa học vật liệu điện tử, kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano; vật liệu quang học, quang điện tử và quang tử; công nghệ dệt may - da giầy và thời trang; vật liệu polyme - compozit nền polyme, kỹ thuật in và truyền thông.

Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội chúc mừng Ban Giám hiệu Trường Hóa và Khoa học sự sống. (Ảnh: nguồn HUST)

Trường Hóa và Khoa học sự sống – Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 Viện: Viện Kỹ thuật hóa học, Viện Công nghệ Sinh học Công nghệ Thực phẩm, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên. Phó Giáo sư Chu Kỳ Sơn - Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống.

Trường Hóa và Khoa học sự sống đào tạo các ngành Hóa học, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật thực phẩm, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường. Đây là những ngành vốn gần nhau về kiến thức cơ sở ngành, thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật chủ đạo, mang tính bền vững. Trường có các trung tâm, các phòng thí nghiệm nghiên cứu đồng bộ hiện đại kết hợp với phương pháp giảng dạy tiên tiến, qua đó sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đa dạng hóa nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Giáo sư Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu chúc mừng hai trường. (Ảnh: nguồn HUST)

Tại buổi lễ, Giáo sư Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội chúc mừng hai trường cùng các thầy cô được nhận quyết định bổ nhiệm, đồng thời, đặt kỳ vọng vào sự phát triển của Trường Hóa và Khoa học sự sống; Trường Vật liệu.

Giáo sư Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: Khó khăn, thử thách ở thời kỳ đầu thành lập là điều không thể tránh khỏi, với quy mô đội ngũ cán bộ và sinh viên lớn, cơ cấu bộ máy tinh gọn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp trong vận hành, sự quyết tâm, đồng lòng và đoàn kết; đòi hỏi tính thống nhất, đồng bộ trong mọi hoạt động. Khi hệ thống quản trị, điều hành chưa thực sự hoàn chỉnh, càng cần thiết phải có sự quyết tâm và đoàn kết cao độ. Kinh nghiệm từ 3 trường Cơ khí, Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin và Truyền thông chính là những bài học quý giá cho hai trường mới thành lập.

Với động lực mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội, với quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo 2 trường, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể cán bộ viên chức; sự đồng cảm, tin tưởng và nhiệt huyết của sinh viên, Giáo sư Lê Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng, hai trường mới thành lập sẽ sớm ổn định. Đồng thời, hai trường sẽ sớm vượt qua những khó khăn trước mắt và thực hiện thành công kế hoạch năm, hướng tới các mục tiêu chiến lược đã được đặt ra trong đề án xây dựng trường, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn 2030./.

Việt Hà

Tin liên quan

Xem thêm