Khoa học

Đa dạng các hình thức liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững

Long An

Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh Long An có 695.746 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Thu hoạch lúa ở Hợp tác xã nông nghiệp Hương Trang (huyện Mộc Hóa, Long An). (Ảnh: Bùi Giang/ TTXVN)

TTXVN - Ngày 28/4, Hội Nông dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2017- 2022.

5 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Long An được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, địa phương tích cực thực hiện các biện pháp ứng phó, chống hạn, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất. Các hình thức kinh tế hợp tác tiếp tục duy trì, phát triển; chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới được tập trung thực hiện. Những kết quả nêu trên có phần đóng góp quan trọng của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, nhất là những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Theo Hội Nông dân tỉnh Long An, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hội ngày càng thể hiện rõ là tổ chức trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để tổ chức tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, được nông dân hưởng ứng nhiệt tình. Các phong trào nông dân đã có bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã có 695.746 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét, 432.223 lượt hộ nông dân đã đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 3 cấp, chiếm 62% lượt hộ đăng ký. Riêng năm 2022, tỷ lệ đăng ký tăng cao nhờ vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế sau đại dịch, đã có 131.435/142.671 hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đạt 92%. Nhiều mô hình nông dân sản xuất hiệu quả, thu lợi nhuận cao như: Nuôi và cung cấp giống vịt trời, mô hình nuôi tôm thẻ, nuôi cá tra, chăn nuôi heo (huyện Cần Giuộc), mô hình trồng lúa hai vụ xen canh trồng khoai lang (huyện Tân Hưng), mô hình nuôi gà đẻ công nghiệp (huyện Cần Đước), mô hình trồng lúa ứng dụng cơ giới hóa, mô hình trồng dưa hấu (huyện Thạnh Hóa)…

Tại Hội nghị tổng kết, 5 tập thể và 205 cá nhân được UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen vì có thành tích xuất sắc phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Lê Văn Hùng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình nông nghiệp, nông dân và phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Vẫn có nhiều hộ nông dân còn tư tưởng sản xuất nhỏ, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập. Cùng với đó, các mô hình kinh tế hợp tác trong nông dân chậm phát triển; còn tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu làm ảnh hưởng đến sản xuất. Giá cả thị trường tiêu thụ sản phẩm thường xuyên biến động. Dịch bệnh kéo dài, gây thiệt hại lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nông dân trong tỉnh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian tới Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Hội sẽ kiến nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân được học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật; nâng cao trình độ để trở thành chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hội Nông dân tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng các chương trình, đề án, để nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường; đẩy mạnh tổ chức học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

“Đặc biệt đối với nông dân sản xuất, kinh doanh, chúng tôi sẽ cùng họ nghiên cứu thêm tầm quan trọng của việc tổ chức lại sản xuất. Liên kết sản xuất trong nông dân, trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn là những hình thức liên kết kinh tế có tác dụng kích thích mạnh mẽ nông dân sản xuất, kết nối thị trường, hợp tác lao động và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả”, ông Lê Văn Hùng nhấn mạnh./.

Đức Hạnh

Tin liên quan

Xem thêm