Khoa học

Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Vĩnh Long

Trong thời gian tới, Vĩnh Long đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

TTXVN - Chiều 10/5, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Tọa đàm Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Long.

Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXV)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau Đại hội XIII của Đảng, tỉnh Vĩnh Long quán triệt thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tỉnh đã xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và tích hợp, cụ thụ thể hóa nội dung này vào trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Vĩnh Long bố trí nguồn lực và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại; xây dựng chính sách để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo, chế biến, trong đó ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu, vật liệu của địa phương…

Tọa đàm nhằm nghiên cứu, hoàn thiện các luận cứ khoa học và thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh; những quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhà nước về thực tế thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh.

Theo đó, các đại biểu đã tập trung vào 3 nội dung chính về: Thực trạng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; phương hướng phát triển các ngành công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học công nghệ mới và đổi mới sáng tạo; những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Long trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Khắc Nhu cho biết, định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kinh tế - xã hội dựa vào khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo nền tảng, động lực phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình phát triển của tỉnh hiện nay là chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, quy mô kinh tế còn nhỏ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất còn phân tán, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số chưa được đầu tư đồng bộ; chịu tác động của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, triều cường.

Theo ông Trần Thanh Trung, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong giai đoạn 2011-2020, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh; tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 5,7%/năm.

Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển nhanh theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng. Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Long chưa đạt mục tiêu đề ra, năng suất lao động còn thấp. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá và phát triển đúng hướng nhưng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP còn thấp, phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Tình hình đó đòi hỏi tỉnh triển khai có hiệu quả chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng, phát triển ngành công nghiệp vững mạnh, bền vững; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Ông Đặng Phúc Hưng, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khẳng định phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Trong thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ một số lĩnh vực then chốt, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dịp này, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chuyển giao đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Đánh giá tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với nền kinh tế tỉnh Vĩnh Long” cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh.

Nội dung đề tài tập trung đánh giá thực trạng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020; phân tích tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; xây dựng các giải pháp, chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030./.


Phạm Minh Tuấn

Xem thêm