Xã hội

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động

Hà Nội

Đây là hoạt động thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo thành phố và tổ chức Công đoàn Hà Nội trong việc chăm lo quyền, lợi ích của người lao động.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô do UBND và Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp tổ chức chiều 18/5, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn YAMAHA Việt Nam (Khu Công nghiệp Nội Bài).

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các sở, ngành, quận, huyện có khu công nghiệp; Liên đoàn Lao động 28 quận, huyện; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở; một số doanh nghiệp và gần 1.000 công nhân lao động đã tham dự.

Đây là hoạt động thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của lãnh đạo thành phố và tổ chức Công đoàn Hà Nội trong việc chăm lo quyền, lợi ích của người lao động. Hội nghị cũng là dịp để đội ngũ công nhân được nêu kiến nghị, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tới trực tiếp người đứng đầu UBND thành phố, mong muốn có những giải đáp và chỉ đạo cụ thể đối với từng vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

* Trên 600 ý kiến, kiến nghị từ công nhân lao động và Công đoàn cơ sở

Công nhân Thủ đô mong muốn lãnh đạo thành phố sớm giải quyết những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quyên, lợ ích của người lao động. (Ảnh: TTXVN phát)

Là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia, Hà Nội tập trung nhiều doanh nghiệp với khoảng 2,5 triệu lao động. Do biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, địa bàn Thủ đô đã có hàng chục nghìn lao động bị thiếu việc làm hoặc mất việc làm, thu nhập giảm sút. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, thanh toán chế độ một lần bảo hiểm xã hội tăng nhanh. Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra tại một số doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, ít lao động. Một số vi phạm phổ biến như: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, an toàn vệ sinh lao động, xây dựng thang bảng lương thiếu rõ ràng…

Để chuẩn bị tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội với công nhân lao động năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố đã phát hành phiếu lấy ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động thông qua các Công đoàn cơ sở.

Ban Tổ chức Hội nghị đã tiếp nhận được trên 600 ý kiến, kiến nghị gửi về từ các đại biểu công nhân lao động và Công đoàn cơ sở. Những ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động với lãnh đạo thành phố và các sở, ngành tập trung vào một số nhóm vấn đề cụ thể. Đáng chú ý, công nhân lao động mong mỏi thành phố sớm có cơ chế chính sách để công nhân được thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở với các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và giá cả phù hợp với thu nhập hiện nay; sửa chữa nâng cấp 9 khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt và an toàn khi thuê trọ. Thành phố đầu tư, nâng cấp nhà trẻ, trường học, trạm y tế phục vụ lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất. Thành phố tạo điều kiện cho con công nhân có hộ khẩu tạm trú được học tập ở các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt là cấp trung học phổ thông; khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế công lập vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính.

Công nhân lao động đề nghị thành phố kiến nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nghiên cứu giảm tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động trực tiếp; tăng quyền lợi để thu hút người lao động tham gia và giảm số người rút bảo hiểm xã hội một lần. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp chây ỳ, nợ lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội và giải quyết tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Thành phố có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự phía trong và xung quanh các Khu công nghiệp: Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài; bố trí các tuyến, các điểm dừng xe buýt cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật về chiếu sáng, tín hiệu đường giao thông, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường tại các khu công nghiệp. Thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho công nhân lao động đáp ứng yêu cầu của nền công nghiệp 4.0...

* Tháo gỡ khó khăn để xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phát triển

Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay, thành phố đã bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn sau hơn ba năm phòng, chống dịch COVID-19 và trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô có sự đóng góp của các doanh nghiệp và người lao động.

Với hơn 600 ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động đã được tổng hợp qua các cấp Công đoàn cơ sở, lãnh đạo UBND thành phố rất muốn lắng nghe thêm các ý kiến sát sườn, vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động. "Trên cơ sở giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn để cùng nhau xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo các chính sách về tiền lương và các vấn đề khác cho công nhân lao động", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Bày tỏ sự xúc động trước sự quan tâm, chăm lo của lãnh đạo Hà Nội tới đội ngũ công nhân Thủ đô, nhiều người lao động mong muốn tiếp tục được Chủ tịch UBND thành phố và các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết tích cực, hiệu quả những vấn đề còn tồn tại, khó khăn giúp họ ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

Giám đốc Sở Lao động  Thương binh và Xã hội giái đáp các ý kiến của công nhân, (Ảnh: TTXVN phát)

Hàng loạt những câu hỏi được công nhân lao động đặt ra liên quan đến các vấn đề như: Nhà ở cho công nhân; khám chữa bệnh vào ngày Chủ nhật, ngoài giờ hành chính cho người lao động có thẻ bảo hiểm y tế; vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân tại khu công nghiệp; bảo trì, sửa chữa, đảm bảo an toàn cho công nhân đang sinh sống tại các khu nhà ở công nhân Kim Chung, Đông Anh. Các vấn đề: công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục về cấp quyền sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng… nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng để có kế hoạch đầu tư lâu dài… đã được người lao động đề cập.

Đáng chú ý, chị Trần Thị Thủy - công nhân Công ty Meiko Việt Nam kiến nghị 3 vấn đề tồn tại tại Khu Công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Đó là việc cứ mưa là ngập dù đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội nhiều năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động của khu công nghiệp. Đặc biệt, vào thời điểm tan ca, người lao động sẽ bị mất an toàn khi tham gia giao thông, xe chết máy, quần áo bị ướt, gián tiếp ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, khu công nghiệp này hiện thiếu các vị trí tập kết xe tải, xe container… dẫn đến việc phải dừng đỗ trên các con đường dẫn vào khu công nghiệp, gây mất an toàn giao thông. Hay tại lối vào khu công nghiệp có một ngã ba chưa có hệ thống đèn giao thông. "Với mật độ phương tiện đi lại đông đúc, nhất là các giờ cao điểm, giờ tan ca, người lao động tham gia giao thông tại nút giao này nguy cơ rủi ro tai nạn rất cao, đề nghị thành phố hỗ trợ lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại đây", chị Trần Thị Thủy nêu kiến nghị.

Trả lời những câu hỏi của công nhân liên quan đến các ngành quản lý trực tiếp, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân được Trung ương, Thành ủy - UBND thành phố, các cấp, ngành quan tâm. Thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, Hà Nội đã có nhiều kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ người lao động..

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến trình Quốc hội đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia Bảo hiểm xã hội để hưởng hưu, hạn chế rút Bảo hiểm xã hội một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Dù phương án nào, mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần.

Đối với đề xuất lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã tiếp thu kiến nghị và sẽ phối hợp Công an thành phố, các đơn vị liên quan khảo sát hạ tầng, phương án tổ chức giao thông để nghiên cứu báo cáo UBND thành phố đưa vào kế hoạch đầu tư công ngay trong năm nay hoặc điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động. Sở sẽ chỉ đạo Thanh tra Sở bố trí lực lượng xử lý tình trạng bán hàng rong và hướng dẫn phân luồng giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng Khu công nghiệp Nội Bài trên đường 131.

Đối với đề xuất mở thêm cổng, Ban Quản lý Khu công nghiệp Nội Bài cần phải căn cứ vào quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt hoặc báo cáo Sở Quy hoạch kiến trúc xem xét điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp chưa có quy hoạch để nghiên cứu phương án và phải có các phương án thiết kế đấu nối giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông và tránh gây ùn tắc giao thông tại khu vực….

Kết luận Hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận những góp ý, kiến nghị rất xác đáng của đội ngũ công nhân; đồng thời cảm ơn sự đóng góp to lớn của người lao động trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô, nhất là những năm gần đây khi đối diện với nhiều khó khăn thách thức của dịch COVID-19.

Đánh giá cao những giải đáp của các sở, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền, thành phố sẽ có chỉ đạo và giao các đơn vị xử lý kịp thời; những vấn đề không thuộc thẩm quyền sẽ báo cáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng.

Theo lãnh đạo Hà Nội, thời gian tới, thành phố sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển. "Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Đặc biệt, thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án nhà ở xã hội để cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số dự án. Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi.

Tới đây, thành phố cùng các sở ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc công nhân phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công. Dự kiến, tháng 7 tới, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố Hà Nội xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố với điều kiện làm trực tuyến. Theo đó, công nhân dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định sẽ cùng các sở ngành tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi cho công nhân. Thành phố phấn đấu cuối tháng 7/2023 hoàn thành đề án nghiên cứu định mức đơn giá tối thiểu trong giáo dục và y tế, trước mắt là giáo dục… đảm bảo quyền lợi hài hòa cho các em học sinh, con em công nhân lao động../.

Linh Khánh

Tin liên quan

Xem thêm