Giáo dục

Chắp cánh tình yêu văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên

Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng trưng bày những bộ sưu tập “độc lạ” về vương triều nhà Nguyễn có giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt.

Bảo tàng Lâm Đồng - Ảnh: Minh Ngọc - Quỳnh Chi/TTXVN

TTXVN-Nép mình trên một đồi thông của phố núi Đà Lạt mộng mơ, Bảo tàng Lâm Đồng (nằm trên đường Hùng Vương) là nơi truyền đi những thông điệp, kiến thức về lịch sử, văn hóa của Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung đến nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.Là bảo tàng tổng hợp, ngoài việc lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Nam Tây Nguyên, Bảo tàng Lâm Đồng còn trưng bày những bộ sưu tập “độc lạ” về vương triều nhà Nguyễn có giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt đối với khách tham quan là giới trẻ. Bộ sưu tập hiện vật cung đình triều Nguyễn với hơn 100 hiện vật các loại được lưu giữ tại bảo tàng là bộ sưu tập độc đáo, quý hiếm, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ. Nổi bật là những hiện vật được gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu sử dụng như tô, bát, chậu hay ly ngọc. Đặc biệt có một bát ngọc đính mảnh giấy viết bằng chữ Hán, nội dung ghi chép việc vào năm thứ 3 đời vua Khải Định (năm 1918), ban cho Hoàng tử Vĩnh Thụy bát ngọc nhất phẩm.Ông Lê Phi Long, cán bộ Bảo tàng chia sẻ, sau khi tiếp nhận, Bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp với các chuyên gia lịch sử, khảo cổ thuộc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành giám định, chỉnh lý và xác định niên đại, chất liệu, ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa của bộ sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn. Bảo tàng Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị bộ sưu tập; trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước, đặc biệt là học sinh, sinh viên để các em hiểu rõ hơn về lịch sử nước nhà.Ngoài khu trưng bày hiện vật thời nhà Nguyễn, Bảo tàng Lâm Đồng còn có khu nhà trưng bày, lưu giữ trên 15.000 hiện vật với nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm. Nội dung trưng bày bao gồm các phần chính như: Thiên nhiên Lâm Đồng, Đà Lạt xưa và nay; Những phát hiện về khảo cổ học ở Lâm Đồng; Những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa (dân tộc Mạ, K'ho, Churu); Quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; Nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...Từ các khu trưng bày này, học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng ở địa phương, qua đó nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Em Nguyễn Hoàng Anh (học sinh lớp 8, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) chia sẻ, em đã đến Bảo tàng Lâm Đồng nhiều lần, qua đó học hỏi được nhiều hơn về lịch sử quê hương mình. Bảo tàng còn có khuôn viên rộng cùng những trò chơi dân gian mà cả em và em trai em đều rất thích. Để tăng sức hấp dẫn, Bảo tàng Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thu hút khách, tập trung vào đối tượng trẻ vốn rất thích chụp hình “check in”, chẳng hạn như hóa trang thành các nhân vật lịch sử, chiêm ngưỡng mô hình nhà sàn đặc trưng của các dân tộc bản địa, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian thú vị...Theo thống kê, trước khi dịch COVID-19 diễn ra, số lượng khách tham quan Bảo tàng đạt từ 50 - 60 nghìn lượt người/năm. Sau thời gian ảnh hưởng của đại dịch, đến nay, lượng khách đến tham quan có dấu hiệu phục hồi tích cực. Trong quý 1/2023, Bảo tàng đã đón khoảng 30 nghìn lượt khách, vượt chỉ tiêu của cả năm; trong đó, số khách tham quan là học sinh, sinh viên chiếm khoảng 60 - 70%.Ông Phan Nhàn, Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng nhấn mạnh, học sinh, sinh viên là đối tượng phục vụ chính và là khách hàng tiềm năng của đơn vị. Để nơi đây thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ luôn là trăn trở, tâm huyết của cán bộ, người lao động của Bảo tàng. Đối với nhóm khách hàng này, Bảo tàng miễn phí các dịch vụ thuyết minh, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học hỏi... Bảo tàng còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng thực hiện các chương trình học tập, trải nghiệm, tích lũy kiến thức cho học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Vào kỳ nghỉ hè, đơn vị cũng phối hợp với các địa phương triển khai chương trình tham quan giáo dục trải nghiệm, Học kỳ quân đội dành cho giới trẻ. Về lâu dài, để thu hút học sinh, sinh viên đến tham quan bảo tàng, đơn vị tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, trong thời gian tới, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành./.

Minh Ngọc - Quỳnh Chi

Xem thêm