Xã hội

Chấn chỉnh trật tự đô thị: Vì một Thủ đô văn minh, hiện đại và thân thiện

Hà Nội

Hà Nội đang kiến tạo, phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện, trở thành nơi đáng sống của gần 9 triệu dân, thu hút gần 19 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

TTXVN - Xây dựng đô thị văn minh, hiện đại luôn là mục tiêu được các thành phố lớn trên thế giới hướng tới. Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình đang nỗ lực từng ngày, chấn chỉnh trật tự đô thị để giữ gìn, phát huy vẻ đẹp ngàn năm văn hiến của Thủ đô, đồng thời kiến tạo, phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện, trở thành nơi đáng sống của gần 9 triệu dân, thu hút gần 19 triệu lượt khách du lịch mỗi năm…

Một thực trạng đã tồn tại nhiều năm qua tại Hà Nội là nhiều đường phố, khu vực, vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng để họp chợ, làm chỗ kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe các loại. Rác thải vương vãi, tiếng ồn và những hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn… gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như tạo ấn tượng xấu với du khách.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chia sẻ, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường sau dịch COVID-19, những vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định; bán hàng rong, họp chợ tạm, chợ cóc vẫn tồn tại và gây mất mỹ quan đô thị ở hầu hết các địa bàn, nhất là tại các quận nội thành.

Ở Hà Nội, chợ cóc có mặt từ tuyến phố chính, phố lớn cho đến những con ngõ nhỏ, trong các khu đô thị, khu dân cư… Chợ cóc tồn tại như một thói quen với điểm cộng là thuận cho người bán, tiện cho người mua. Có những khu chợ, người bán bày hàng kín vỉa hè, người mua vô tư đứng dưới lòng đường trả giá, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, là “bài toán nan giải” đối với công tác quản lý trật tự đô thị.

Cùng với chợ cóc, việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán đã đẩy người đi bộ xuống lòng đường, gây mất an toàn giao thông, khiến người dân và du khách không khỏi bức xúc, nơm nớp lo sợ mỗi khi phải sử dụng không gian được coi như chỗ riêng cho người đi bộ này.

Một góc phố bị lấn chiếm 

Hoàn Kiếm là quận tập trung nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng cũng được xem là trung tâm kinh tế, giáo dục của Thủ đô. Những con phố nhỏ sắp xếp theo hình bàn cờ, với nhiều kiến trúc cổ, các công trình văn hóa đậm nét Á - Âu cùng hoạt động kinh doanh sầm uất ở đây đã trở thành đặc trưng bao đời nay của thành phố. Khách du lịch khi đến Thủ đô đều muốn tới đây để chầm chậm thả bước, thưởng lãm vẻ đẹp của các công trình kiến trúc và hòa mình vào không gian văn hóa rất Hà Nội ấy. Thế nhưng, nhiều người, đặc biệt là du khách nước ngoài cảm thấy chưa thoải mái khi đến đây bởi vỉa hè, lòng đường nhiều con phố bị chiếm dụng để bày bán hàng hóa, trông giữ phương tiện. Vậy là thay vì được thảnh thơi dạo phố, trải nghiệm các nét văn hóa đặc sắc của thành phố ngàn năm tuổi, du khách lại phải luồn lách qua những dãy hàng hóa la liệt hoặc vừa đi dưới lòng đường vừa phải để ý tránh các phương tiện giao thông để giữ cho mình được an toàn.

Các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy... là nơi tập trung nhiều khu vực ẩm thực, khu vui chơi giải trí, đáp ứng các nhu cầu của người dân Thủ đô. Cùng chung cảnh ngộ, ở nhiều khu vực, nhiều con phố vẫn tồn tại tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm; hàng quán mở cửa quá giờ, xả rác bừa bãi, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, có những con phố biến thành địa điểm trông giữ xe cả ngày lẫn đêm. Ô tô, xe máy đỗ kín vỉa hè, tràn xuống lòng đường, gây ách tắc giao thông, nhất là vào những giờ cao điểm, tại các khu vực công cộng.

2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tiến tới hoàn thành kế hoạch 5 năm, thành phố Hà Nội chọn chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Ngay từ đầu năm, chính quyền thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể đã rốt ráo triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm, lập lại trật tự đô thị, nỗ lực xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại.

Với quyết tâm vào cuộc, huy động sự tham gia đồng bộ của các cấp, ngành, ngày 3/3, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai và ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Công an thành phố đến các điểm cầu tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Ngay sau hội nghị, các địa phương đồng loạt ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản về tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Chủ tịch UBND thành phố giao Văn phòng UBND thành phố công khai thông tin những Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự lòng đường, hè phố trên địa bàn tại buổi họp báo của UBND thành phố hàng tháng. Các quận, huyện, sở, ngành liên quan xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý trật tự đô thị năm 2023, với quyết tâm giành lại hè phố cho người đi bộ.

Lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

UBND thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản để phối hợp triển khai tới các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn theo nguyên tắc kiên trì, bài bản, tổ chức thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn I (từ ngày 15 - 28/2), đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Giai đoạn II (từ ngày 1 - 31/3), ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm. Giai đoạn III (từ ngày 1/4 -1/11), giai đoạn kiểm tra, duy trì.

Từ thực tế tại cơ sở, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc với những cách làm năng động, phù hợp, hiệu quả. Tại quận Hoàn Kiếm, Ban Chỉ đạo 197 quận đặt mục tiêu loại bỏ tư tưởng, hình thức, nể nang, đùn đẩy, né trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong xử lý vi phạm trật tự đô thị; việc xử lý vi phạm theo hướng rõ người, rõ việc, rõ kết quả. Trên tinh thần này, các lực lượng chức năng, chính quyền 18 phường của quận tích cực triển khai. Theo đó, Đội Cảnh sát 113 Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an các phường Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo kiểm tra vỉa hè tại các tuyến đường Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Gia Thiều... Tại nút giao Phan Chu Trinh - Hai Bà Trưng, lực lượng chức năng phát hiện điểm trông giữ xe trên hè phố Phan Chu Trinh sử dụng diện tích trông giữ xe vượt quá giới hạn cấp phép, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính với lỗi vi phạm trên.

Trung tá Dương Bảo Thạch, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát 113 (Công an quận Hoàn Kiếm) thông tin, việc xử lý vi phạm vỉa hè đã được lực lượng Công an quận và Công an 18 phường trên địa bàn xử lý quyết liệt. Công an quận đã xây dựng phương án riêng, phối hợp với các địa phương tuần tra khép kín địa bàn, phát hiện và xử lý vi phạm.

Tại quận Ba Đình, các lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân xử lý vi phạm kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 thành phố nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Qua kiểm tra trên tuyến đường Kim Mã (phường Kim Mã), lực lượng Công an phường nhắc nhở một số hàng quán còn vi phạm, bày bàn ghế, hàng hóa… ra vỉa hè. 

Lực lượng chức năng xử lý vi phạm

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận hội nghị giao ban trực tuyến quý I/2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về nội dung tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.

Đáng chú ý, Thành ủy yêu cầu lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, từng khu vực, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể; công khai quy hoạch để lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận của người dân trước khi phê duyệt và tiến hành "số hóa" để tổ chức thực hiện. Trước mắt, một số tuyến phố, khu vực tại các quận, huyện, thị xã sẽ được lựa chọn để thí điểm triển khai trong năm 2023.

Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 197 thành phố và các sở, ban, ngành chức năng cần nghiên cứu, rà soát các quy định của các bộ, ngành trung ương để có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng lòng đường, hè phố đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Nhờ tích cực tuyên truyền kết hợp với các biện pháp kiên quyết xử lý vi phạm, trật tự đô thị trên địa bàn Thủ đô, nhất là tại 12 quận nội thành có chuyển biến tích cực. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giảm dần. Các phương tiện được sắp xếp gọn gàng, nhiều tuyến phố phong quang hơn.

Phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), một trong những con phố đông đúc bậc nhất Thủ đô, với nhiều cửa hàng lớn nhỏ, san sát nhau. Thời gian trước, xe máy, hàng hóa để tràn ra vỉa hè, người đi bộ buộc phải di chuyển dưới lòng đường. Nhờ sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an phường và cơ quan chức năng, hè phố Hàng Đào đã thông thoáng hơn. Tương tự, phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), phố Kim Mã (quận Ba Đình)… đã gọn gàng và thông thoáng hơn, cơ bản không còn xuất hiện cảnh xe máy đỗ kín vỉa hè như trước.

Đường phố Hà Nội thoáng, sạch, thanh bình 

Thống kê của ngành chức năng, từ ngày 1/3 đến ngày 1/4, tròn một tháng ra quân giành lại vỉa hè, các lực lượng của thành phố đã kiểm tra, xử lý khoảng 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, xử phạt hành chính hơn 50 tỷ đồng; xử lý gần 7.500 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, với số tiền phạt 9,2 tỷ đồng.

Sau những nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng các quận, huyện, nhiều đường phố của Hà Nội giờ đây đã phong quang và trở nên đẹp hơn trong mắt người dân, du khách, góp phần không nhỏ giúp du lịch Thủ đô phục hồi, phát triển đúng quỹ đạo sau một thời gian dài “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô ước đón 5,88 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 978.700 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 21.000 tỷ đồng, bằng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Riêng trong tháng 3, Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách; tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 13% so với tháng trước. Khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt hơn 397.000 lượt người, tăng 40% so với tháng trước.

Ngồi xích lô ngắm phố phường là trải nghiệm yêu thích của du khách nước ngoài khi đến Hà Nội. 

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá, hiện thực mục tiêu xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn minh và phát triển, thành phố tiếp tục nỗ lực chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị. Đây là việc làm lâu dài và sẽ gặp không ít khó khăn song sẽ đạt được kết quả khi có những kế hoạch, bước đi bài bản từ khâu quy hoạch, xây dựng đến việc quản lý sử dụng...

Cùng với đó, những việc làm thiết thực, hiệu quả đã đạt được cần duy trì, thực hiện thường xuyên, gắn với trách nhiệm của cơ quan quản lý; đề cao vai trò của lực lượng quản lý trật tự đô thị trong kiểm tra, xử lý vi phạm đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác cho người dân. Từ đó, mỗi người chủ động, tích cực hơn trong chấp hành quy định về trật tự đô thị, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là Thành phố Vì hòa bình, là điểm đến thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế./.

Tin liên quan

Xem thêm