Thực thi chính sách

Cao Bằng khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả các chỉ số

Cao Bằng

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Cao Bằng xếp hạng 63/63 trong cả nước.

TTXVN- Ngày 25/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị đánh giá và triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế năm 2022, nâng cao hiệu quả các chỉ số Cải cách hành chính (PAR-INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thị Lâm Tú Anh, năm 2022, Chỉ số PAPI của tỉnh Cao Bằng xếp hạng thứ 63/63 (giảm 2 bậc so với năm 2021), Chỉ số PAR-INDEX đạt 77,55/100 điểm, xếp hạng 62/63, (giảm 5 bậc so với năm 2021); Chỉ số SIPAS đạt 65,57% (giảm 4,99% so với năm 2021), xếp vị trí 63/63. Trong đó, điểm thẩm định đạt 3,38/6,5 điểm, điểm điều tra xã hội học đạt 7,43/10 điểm.

Ông Nông Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Cao Bằng xếp hạng 63/63 với 59,58 điểm.

Nguyên nhân các chỉ số đều xếp ở nhóm cuối cả nước gồm, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nâng cao các chỉ số chưa cao; trình độ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ của một số cán bộ công chức chưa đảm bảo yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế; nguồn kinh phí thực hiện cải cách hành chính chưa đảm bảo...

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Cao Bằng, năm 2022, lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số (Chỉ số PAR-INDEX) chỉ đạt 8,01/13,5 điểm là do việc triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây chưa được xây dựng. Tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) chưa đầy đủ; Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức còn rất thấp...

Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục nâng cao trình độ sử dụng các thiết bị điện tử của người dân. Tỉnh cần có chế tài xử lý các đơn vị không đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử...

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, điểm điều tra xã hội học (Chỉ số SIPAS) đạt thấp là việc giải quyết các kiến nghị của người dân, tổ chức, đơn vị chưa được rõ ràng, triệt để, còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng Đàm Văn Riểm cho biết, Chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2022 đạt 5,98 điểm, xếp vị trí 61/63 (tăng 0,27 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2021), không đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân được xác định là hiểu biết về pháp luật của người dân, doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; quỹ đất sạch trên địa bàn tỉnh còn ít; công tác phối hợp giữa các địa phương với nhà đầu tư chưa nhịp nhàng. Quy hoạch đất đai của các huyện còn manh mún, chưa đưa ra được hiện trạng đất để tạo mặt bằng cho nhà đầu tư...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; gắn kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến cải cách hành chính với trách nhiệm của các ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Cùng với đó tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức viên chức; nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên, môi trường; thu hút đầu tư và tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ đồng bộ, thống nhất theo quy định của cơ quan nhà nước cấp trên và phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Cao Bằng tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, dữ liệu số.../.

Chu Văn Hiệu

Xem thêm