Xã hội

48 năm thống nhất đất nước: Đổi thay trên quê hương Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh

Long An

Mỹ Hạnh Nam là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Đức Hòa, Long An - quê hương của anh hùng Nguyễn Thị Hạnh.

Long An hướng tới xây dựng nông thôn mới ( Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

TTXVN -Mỹ Hạnh Nam là xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Đức Hòa, Long An. Về xã Mỹ Hạnh Nam hôm nay, thấy những đổi thay từng ngày, những con đường mới khang trang, to đẹp. Ở đó, những người dân đang nỗ lực viết tiếp truyền thống, noi gương anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, người con của vùng đất “Long An trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Nguyễn Thị Hạnh tên thật là Trần Thị Bé (sinh năm 1937, mất năm 1970) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Bà quê quán ở làng Mỹ Hạnh, nay thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa. Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Thị Hạnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng. Khi được tuyên dương Anh hùng, bà là Trung đội trưởng du kích xã, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Nữ anh hùng của quê hương “trung dũng, kiên cường”

Nguyễn Thị Hạnh xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, bà tham gia cách mạng từ năm 1956. Có anh, chị tập kết ra miền Bắc, Nguyễn Thị Hạnh bị địch theo dõi, kiểm soát gắt gao. Mặc dù vậy, bà vẫn không hề nao núng, vừa làm ruộng nuôi mẹ, vừa tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên nuôi giấu cán bộ, Nguyễn Thị Hạnh còn hoạt động trong tổ thanh niên, hăng hái làm nhiệm vụ canh gác, điều tra, phát hiện bọn gián điệp ngầm trà trộn phá hoại trong xóm, ấp.

Là một cán bộ cơ sở hoạt động trong vùng địch kiểm soát, Nguyễn Thị Hạnh luôn luôn nêu cao tinh thần triệt để cách mạng, kiên cường chống Mỹ và bè lũ tay sai, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, vượt mọi khó khăn, gian khổ, bền bỉ, kiên trì vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh, góp phần xứng đáng vào thành tích chung của địa phương.

Đầu năm 1963, có 3 tiểu đoàn chủ lực và biệt động ngụy về xã càn quét suốt 1 tháng, gom dân lập ấp chiến lược. Xã có 5 ấp thì địch đã gom 4, chỉ còn lại 1. Được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức cơ sở bí mật trong các ấp chiến lược, Nguyễn Thị Hạnh đã tìm mọi cách thực hiện: lúc kiếm cớ đi làm gần các mối đường ra vào ấp chiến lược để tiện gặp bà con, hỏi han tin tức, lúc giả bệnh mất trí, ăn mặc rách rưới, lân la đi hết ấp này sang ấp khác để bắt mối hoạt động. Đồng chí khéo thuyết phục, động viên bà con, nên mặc dù bị địch thường xuyên o ép, hăm dọa, bắt bớ, đánh đập, các gia đình vẫn một lòng tin tưởng ở cách mạng, sẵn sàng cho con em tham gia công tác. Do đó, Nguyễn Thị Hạnh đã xây dựng được đội du kích mật 37 người và hàng chục hạt nhân nòng cốt trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Nhận chỉ thị phá ấp chiến lược, tuy bị địch để ý nghi ngờ, Nguyễn Thị Hạnh vẫn tìm cách phổ biến đầy đủ nhiệm vụ đến từng cơ sở, rồi trực tiếp đi đón bộ đội về phối hợp với đội du kích mật của xã, đánh phá đồn, bốt địch, cảnh cáo và trừng trị bọn tề, điệp, ác ôn, hỗ trợ cho đồng bào nổi dậy phá ấp, dỡ nhà, trở về làng cũ.

Bà là cán bộ Đảng viên cơ sở giỏi, hoạt động trong lòng địch kiểm soát, xây dựng và phát triển các cơ sở Đảng, đội du kích và chỉ huy đội du kích đánh địch hàng trăm trận, diệt 345 tên địch, riêng Nguyễn Thị Hạnh diệt được 19 tên. Trận nào đồng chí cũng thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm, có tác phong tỉ mỉ, thận trọng, mưu trí, linh hoạt. Một lần đi trinh sát, Nguyễn Thị Hạnh ngồi trên xe bò chở lúa quan sát và ghi nhớ kỹ cách bố trí hỏa lực và đội hình quân địch, khi trở về vẽ lại sơ đồ, giúp bộ đội tiến đánh có kết quả. Lần khác, đồng chí dắt xe đạp đi qua chỗ địch đóng quân, nhẩm đếm số bước chân để tính cự ly chính xác cho bộ đội pháo kích.

Đồng chí táo bạo giấu mìn, lựu đạn, truyền đơn... trong làn đựng quần áo rồi mang đi qua mặt lính gác của địch, hoặc tổ chức cho chị em cắt rào thép gai, rải truyền đơn, phục kích địch ngay trong ấp chiến lược. Để phá trò hề bầu cử quốc hội bù nhìn của địch, tổ du kích do Nguyễn Thị Hạnh phụ trách đã khéo léo cải trang lẫn vào dân, gài mìn trên đường và ném lựu đạn vào khu vực đặt hòm phiếu của ấp, khiến chúng hoang mang. Thiếu mìn để đánh địch, Nguyễn Thị Hạnh cải tạo đạn pháo 105 mi-li-mét, mang đi phục kích suốt 3 ngày. Trong trận này, ta giết chết 2 tên địch, làm bị thương nặng 3 tên, phá hủy 1 trung liên. Đánh xong, đồng chí còn ở lại kiểm tra kết quả và thu dây, hộp pin đem về cất giấu.

Trong một đợt hoạt động vũ trang tuyên truyền, gây thanh thế cho cách mạng, Nguyễn Thị Hạnh vạch kế hoạch chu đáo cho đội du kích để chỉ trong một buổi, vừa phối hợp với bộ đội huyện chặn đánh bọn bảo an, lùng bắt bọn tề, điệp, ác ôn, vừa tổ chức mít tinh đón cán bộ về nói chuyện với đồng bào trong ấp chiến lược…

Nguyễn Thị Hạnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cán bộ cơ sở hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, góp phần làm chuyển biến phong trào đấu tranh của xã trong hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân luôn luôn khiêm tốn, gương mẫu, tận tụy, được bà con hết lòng thương yêu, giúp đỡ.

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được ngợi ca trong vở cải lương Người không cô đơn và bài tân cổ giao duyên Cô gái tưới đậu, vốn không hề xa lạ với người mộ điệu cải lương trong cả nước. Trong vở cải lương Người không cô đơn có chi tiết bà giả điên đi lang thang để thu thập tin tức trong lòng địch. Trong căn nhà ở ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, ông Trần Văn Vinh (sinh năm 1959) - cháu ruột anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (ông Vinh là con của người con thứ Năm, ông gọi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh là cô Bảy), cũng là người đang thờ cúng bà, đã kể cho chúng tôi nghe về điều này.

Ông Vinh nói: “Cô Bảy tôi đi cách mạng lấy tên Hạnh là tên làng Mỹ Hạnh. Lúc đó tôi khoảng 5-7 tuổi, không biết nhiều về những việc cô làm nhưng tôi vẫn nhớ là cô thương tôi lắm. Cô hay cõng tôi trên lưng đi khắp xóm, sau này mới biết đều là giả mẹ con để che mắt địch, cùng đi hoạt động cách mạng với cô. Mỗi lần nghe cô gọi “lại Bảy cõng đi chơi” là tôi mừng lắm theo ngay”. Cũng theo ông Vinh, hình ảnh má Bảy được nhắc đến trong bài tân cổ Cô gái tưới đậu cũng là nhân vật có thật, từng tham gia hoạt động cùng Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh tại làng Mỹ Hạnh xưa.

* Tiếp nối truyền thống anh hùng

Trên quê hương xã Mỹ Hạnh Nam hôm nay có ngôi Trường Tiểu học mang tên Nguyễn Thị Hạnh, trường được công nhận chuẩn quốc gia, với những nếp phòng học mới khang trang. Nhằm tiếp nối truyền thống, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Thị Hạnh luôn nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2022-2023, trường có 28 lớp với 565 học sinh. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đều trên 99%. Nhiều năm liền, trường không có học sinh bỏ học.

Ông Lê Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Hạnh cho biết, "Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng việc giáo dục truyền thống, giúp học sinh hiểu rõ về nữ anh hùng của quê hương Mỹ Hạnh Nam. Theo đó, tiểu sử của bà được ôn lại thường xuyên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và phát đến từng lớp để học sinh có nhiều cơ hội tìm hiểu và nắm rõ. Các lớp thuộc khối 5 được phân công chăm sóc tượng nữ anh hùng tại sân trường. Ngoài ra, hàng năm, nhà trường còn phối hợp Đoàn xã tổ chức cho các học sinh đến nhà thắp hương tưởng nhớ nữ anh hùng”.

Xã Mỹ Hạnh Nam còn có Trường Mẫu giáo Mỹ Hạnh Nam, Trường Tiểu học – Trung học Cơ sở Mỹ Hạnh Nam, tạm thời đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. Giáo dục được quan tâm đầu tư, cùng với đó các mặt kinh tế - xã hội tại địa phương cũng dần được nâng lên.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam Phan Văn Anh Phụng cho biết, ngày 28/02/2022, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa đã vinh dự được đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2020. Đây là xã đầu tiên của huyện Đức Hòa được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

“Ngay sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Đảng bộ xã xác định xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân, nên việc xây dựng xã nông thôn mới nâng cao được triển khai thực hiện đồng bộ từ xã đến ấp và sâu rộng trong quần chúng nhân dân”, ông Phan Văn Anh Phụng cho hay.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể tổ chức triển khai tuyên truyền kế hoạch thực hiện công trình đường bê tông xi măng thông qua các buổi hội nghị của các chi, tổ, hội và họp dân khu vực của tuyến đường. Năm 2015 tỷ lệ km đường xã mặt đường bê tông nhựa là 2,95km đạt 34,1%, còn lại 5,7km là đường trải đá cấp phối chiếm 65,9%. Tỷ lệ đường ngõ sạch và không lầy lội đạt 100% tỷ lệ km đường trục chính nội đồng được cứng hóa 100%.

Sau 5 năm triển khai thực hiện nâng chất tiêu chí giao thông, đến nay các tuyến đường giao thông đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn theo quy định, bố trí các điểm trách xe phù hợp. Đường xã là 13,8 km (so với năm 2015 tăng 10,8km); nền đường rộng trung bình 6m, mặt đường rộng từ 4 – 5m. Trong đó mặt đường bê tông nhựa là 7,8 km đạt 56,52%, còn lại 6 km là đường bê tông xi măng chiếm 100%, bố trí 32 điểm tránh xe phù hợp.

Đường trục ấp với tổng chiều dài 18km/18km được bê tông hóa đạt 100%. Có bố trí 9 điểm tránh xe phù hợp. Đường ngõ xóm, toàn xã có 23,7km các tuyến đường đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc trải đá đảm bảo sạch và không lầy lội vào mùa mưa, đạt 100%.

Đường trục chính nội đồng Phước Hòa gồm 7 tuyến kênh với tổng chiều dài 11,8 km. Ngoài ra trên địa bàn xã còn có các tuyến kênh như: kênh chìm, kênh tây, kênh T6, kênh 9, kênh 7 kênh thoát nước nối với kênh chìm và các tuyến mương lệ với tổng chiều dài 5,1 km. Nền đường rộng 4 - 6m, mặt đường rộng 2 – 3m và có 6 điểm tránh xe theo quy định.

Ông Phan Văn Anh Phụng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam chia sẻ, thuận lợi là người dân nơi đây tự hào noi gương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh của quê hương mình. Từ đó dễ dàng trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân để mọi tổ chức, cá nhân thấy rõ vai trò chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, phát động phong trào sâu rộng, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó là tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phải tạo bước đột phá mới trong cách nghĩ, cách làm, không trông chờ ỷ lại cấp trên; biết kiểm soát một cách toàn diện tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Đặc biệt biết tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài địa phương để xây dựng nông thôn mới nâng cao theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cuối cùng cán bộ là khâu quan trọng, cán bộ phải có ý chí tự lực, tự cường, ý thức kỷ luật cao, gần gũi và biết lắng nghe ý kiến nhân dân, phải tâm huyết với công việc, năng động sáng tạo, có trách nhiệm, từ đó tạo lòng tin cho nhân dân, ông Phan Văn Anh Phụng nhấn mạnh./.

Đức Hạnh

Xem thêm